Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Người chiến sỹ quân y và khúc hát bi tráng giữa khói lửa Điện Biên Phủ

11:26 - Thứ Ba, 16/04/2024 Lượt xem: 2680 In bài viết

Sinh năm 1932, năm nay cựu chiến binh (CCB) Vũ Trọng Thuận ở tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) đã ngoài 90 tuổi, nhưng khi kể về một thời binh lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa, giọng ông vẫn sang sảng. Thời điểm đó ông tham gia với vai trò là chiến sỹ quân y của trạm thu dung điều trị thương binh dưới tán rừng Mường Phăng. 70 năm đã trôi qua, ký ức thời thanh niên của người cựu binh như ùa về khi hoa ban nở trắng những cánh rừng Tây Bắc.

Chiến sỹ Điện Biên Vũ Trọng Thuận, tổ 3, phường Thống Nhất (TP Hòa Bình) vẫn vẹn nguyên ký ức khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 70 năm.

Gặp và trò chuyện với ông trong ngôi nhà bình dị nơi góc phố nhỏ của phường Thống Nhất, ông kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, khi đó tôi 14 tuổi đã trốn nhà theo bộ đội tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp bảo vệ Thủ đô. Được lệnh trên phân công và tách một bộ phận của Trung đoàn Thủ đô để thành lập Trung đoàn 52, sau này gọi là Trung đoàn Tây Tiến để chiến đấu, hoạt động ở vùng địch tạm chiếm Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc. Sau quá trình tham gia hoạt động, chiến đấu cùng các chiến sỹ của Trung đoàn Tây Tiến, tôi được cử đi học lớp quân y. Năm 1953, địch nhảy dù đánh chiếm và xây dựng cứ điểm kiên cố ở Điện Biên Phủ, khi đó trên đã tập trung nhân lực, vật lực để thành lập đội thu dung, điều trị phẫu thuật tiền phương cho các chiến sỹ bị thương trong quá trình chiến đấu trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Mặc dù mới 21 tuổi nhưng do được đào tạo quân y trong quá trình tham gia chiến đấu tại Trung đoàn Tây Tiến, nên tôi được giao làm Trạm trưởng Trạm Thu dung điều trị thương binh tại Mường Phăng...

Dù nhiệm vụ khó khăn, nhưng là người lính đã được tôi rèn qua thử thách, thực tiễn chiến đấu nên Trạm trưởng Vũ Trọng Thuận và tập thể cán bộ trạm luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu dung, phân loại, điều trị thương binh được đưa về từ mặt trận. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn, sau mỗi trận đánh, cả trăm thương binh từ mặt trận được đưa về trạm. Với ý chí, tinh thần của những người lính xông pha nơi tuyến đầu, y sỹ Vũ Trọng Thuận đã cùng anh em trong đơn vị thu dung, phân loại, tổ chức điều trị, cấp cứu cho những thương binh nặng ngay tại trạm.

Kể về những câu chuyện thời khói lửa nơi chiến trường Điện Biên Phủ, giọng người CCB như lạc đi, nghẹn ngào xúc động khi nhớ về những thương đau, mất mát, hy sinh mà đồng đội mình gánh chịu. Đó là khuôn mặt đầy can trường của người lính trẻ với những cơn đau buốt dày vò khi phải "cưa sống” cẳng chân vì chiến trường thiếu thốn thuốc men đủ bề; là tiếng ú ớ gọi mẹ trong cơn mộng mị vì đau đớn bởi thương tích đầy mình của những người lính trẻ... Nhưng làm ông day dứt có lẽ là người lính trẻ cũng chỉ mười tám, đôi mươi được đưa về Trạm thu dung điều trị dưới tán rừng ngút ngàn của Mường Phăng mà ông và các y sỹ tại trạm chưa kịp biết tên, chỉ biết đó là một người lính dũng cảm trong chiến đấu. Anh bị thương nặng vào vùng đầu trong một trận đánh diễn ra tại cứ điểm Him Lam.

Ông kể: Sau khi tiếp nhận thu dung, điều trị tại trạm, người chiến sỹ can trường này hôn mê liên tục trong 3 ngày. Đến ngày thứ 4 bất chợt anh tỉnh lại, chúng tôi mừng vui khôn xiết. Anh ấy gọi chúng tôi lại và có một mong muốn được nghe bài hát "Làng tôi” của nhạc sĩ Văn Cao. Dù không thuộc lắm và biết rằng mình hát không hay nhưng y sỹ Vũ Trọng Thuận và các nhân viên tại trạm đã cất cao tiếng hát giữa cánh rừng Mường Phăng, trong tiếng rú rít của những quả đạn pháo từ Mường Phăng dồn dập "dội lửa” xuống đầu quân thù nơi lòng chảo Điện Biên. "Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung/ Đời đang vui, đồng quê yêu dấu bóng cau với con thuyền, một dòng sông/ Nhưng thôi rồi còn đâu quê nhà, ngày giặc Pháp tới làng triệt thôn...”. Khi khúc hát đang được cất lên với những âm điệu còn ngượng nghịu, lệch tông, vấp váp thì bỗng có tiếng khóc nấc nghẹn, bởi người lính can trường ấy đã nhoẻn miệng nở nụ cười thanh xuân đầy mãn nguyện khi lời ca còn chưa trọn... Ông chia sẻ: Đó là nỗi day dứt đi theo tôi suốt những năm tháng cuộc đời binh nghiệp. Cho đến giờ mỗi khi nhớ lại tôi cũng chỉ mong khi đó được hát trọn vẹn bài hát cho người chiến sỹ ấy...

Chia tay ông trong một chiều muộn, giữa âm thanh xô bồ, ồn ã nơi phố phường, bất chợt lại nghe đâu đây câu hát: "Làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung...” của chất giọng già nua, trầm đục...

Theo baohoabinh.com.vn
Bình luận
Back To Top