Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Nông nghiệp Điện Biên và hành trình “cất cánh” (bài 4)

15:22 - Thứ Tư, 17/04/2024 Lượt xem: 4570 In bài viết

Bài 4: Hướng đến sản xuất nông nghiệp xanh

ĐBP - Những năm gần đây, nông nghiệp Điện Biên liên tục tăng trưởng, phát triển tương đối toàn diện. Tuy nhiên, trước những thách thức về biến đổi khí hậu và đòi hỏi khắt khe của thị trường, ngành nông nghiệp đang từng bước chuyển hướng từ sản xuất truyền thống sang sản xuất thân thiện môi trường, hướng đến nền nông nghiệp xanh.

Bài 3: Tái cơ cấu để phát triển bền vững

Bài 2: Nền tảng kinh tế kháng chiến, kiến quốc

Bài 1: Nông nghiệp giữa bộn bề khó khăn

Mô hình trồng rau an toàn đạt chuẩn VietGAP tại xã Noong Luống (huyện Điện Biên).

Điểm tựa khoa học kỹ thuật

Nhiều hội thảo khoa học cấp bộ, cấp quốc gia đã chỉ ra rằng, quá trình sản xuất nông nghiệp là một trong những nguồn gây phát thải, ảnh hưởng đến môi trường. Ứng dụng khoa học công nghệ và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên là một trong những giải pháp giảm thiểu tác hại đến môi trường. Tại tỉnh Điện Biên, sản xuất nông nghiệp đã và đang chú trọng ứng dụng khoa học - kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Sản xuất lúa 2 vụ đã cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người nông dân. Nhiều địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đã nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng”, cơ giới hóa sản xuất…

Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã mang lại nhiều lợi ích, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường. Hiện nay, diện tích áp dụng các quy trình quản lý dịch hại tổng hợp IPM/IPHM trên toàn tỉnh là 30.998,8ha, trong đó: lúa ruộng 9.298,8ha; lúa nương 1.500ha; ngô 5.000ha; cây ăn quả 4.700ha; cây công nghiệp 4.300ha và cây lâm nghiệp 6.200ha. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất là 85%, gieo cấy 3% và thu hoạch 48%.

Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học  trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tại xã Thanh Chăn.


Huyện Điện Biên có diện tích sản xuất lúa 2 vụ lớn nhất tỉnh, bình quân đạt trên 4.500ha/vụ. Chính quyền địa phương luôn quan tâm thực hiện các giải pháp tập huấn về IPHM, nâng cao năng lực cấp xã trong công tác quản lý buôn bán, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo. Nhờ đó, sản phẩm lúa gạo của huyện Điện Biên nâng cao về chất lượng và giá trị sản phẩm trên thị trường.

Năm 2021, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất lúa theo hướng hữu cơ gắn với liên kết tại xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) với quy mô 12ha.

Chị Nguyễn Thị Hà, người dân xã Thanh Chăn cho biết: Mô hình giúp người dân hiểu hơn về sự thay đổi môi trường đất, độ PH lý tưởng của đất, tạo thuận lợi cho sinh trưởng, phát triển của cây lúa cũng như sự phát triển của các vi sinh vật có lợi trong đất. Khi sử dụng chế phẩm sinh học đã giảm từ 3 - 4 lần phun thuốc BVTV, giúp bảo vệ môi trường; năng suất lúa đạt 70 tạ/ha, giảm chi phí gần 700 nghìn đồng/ha.

Mô hình chăn nuôi khép kín, sử dụng đệm lót sinh học của chị Vàng Thị Chía.

Trong chăn nuôi, tỉnh Điện Biên chú trọng phát triển chăn nuôi trang trại, gia trại gắn với xử lý chất thải, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp… xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn. Để tạo nguồn thức ăn chăn nuôi, người dân sử dụng toàn bộ phụ phẩm nông nghiệp: thân cây ngô, lúa, đậu lạc…. Đồng thời, tận thu các phế phẩm của sản phẩm nông nghiệp như: rơm rạ, vỏ trấu, mùn cưa… sản xuất thành đệm sinh học. Thức ăn của vi sinh vật trong đệm sinh học chính là chất thải chăn nuôi. Việc chuyển hóa này sẽ giúp chuồng trại không có mùi hôi, luôn sạch sẽ.

Trang trại nuôi lợn của chị Vàng Thị Chía, bản Tìa Mùng (xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông) có quy mô 200 con, gồm 10 con lợn nái và lợn thịt, lợn giống. Chị Vàng Thị Chía cho biết: Đây là mô hình chăn nuôi khép kín, tức là lợn nái sinh sản được bao nhiêu là nuôi lớn, bán lợn thịt bấy nhiêu. Để đảm bảo môi trường chăn nuôi, tôi thu mua hết rơm rạ, vỏ trấu và mùn cưa từ các hộ dân, cơ sở xay xát, xưởng mộc để làm đệm lót sinh học. Đồng thời, xây dựng hầm chứa chất thải, biogas tạo nhiên liệu sử dụng trong đun nấu phục vụ chăn nuôi.

Đến nay, toàn tỉnh có 2 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đạt các tiêu chí về kinh tế trang trại, có báo cáo đánh giá tác động môi trường và có hệ thống xử lý chất thải. Các trang trại quy mô vừa và nhỏ đều có biện pháp thu gom, xử lý chất thải; có khoảng 4.900 hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp xử lý chất thải (thu gom, ủ phân, làm hầm biogas, sử dụng đệm lót sinh học). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số liên kết trong chăn nuôi lợn với quy mô khoảng 1.200 - 1.300 con lợn thịt/lứa (2 - 3 lứa/năm) theo hình thức chăn nuôi gia công với các doanh nghiệp trong và ngoài nước (Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Mavin), chất lượng tiêu chuẩn VietGAP.

Tiếp cận giải pháp canh tác hữu cơ

Hiện nay, hóa chất nông nghiệp đang là vấn đề đáng ngại tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng. Thị trường, người tiêu dùng đòi hỏi cao hơn về độ an toàn của sản phẩm nông nghiệp. Chính vì vậy, nông nghiệp Điện Biên đang hướng người sản xuất chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang sản xuất an toàn và từng bước tiếp cận giải pháp canh tác hữu cơ.

Vùng nguyên liệu chè của Công ty TNHH Trà Phan Nhất tại xã Xuân Lao.

Đến nay, toàn tỉnh có 25 chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm nông nghiệp an toàn. Trong đó, có 3 sản phẩm có vùng nguyên liệu được hỗ trợ chứng nhận hữu cơ. Đó là: Mô hình trồng cây ăn quả của Công ty TNHH Cara Farm Việt Nam tại huyện Điện Biên; vùng nguyên liệu các sản phẩm chè của Công ty TNHH Trà Phan Nhất tại xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng); sản phẩm chè cây cao Tủa Chùa.

Vườn chè rộng 13ha tại xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) của Công ty TNHH Trà Phan Nhất đã được công nhận là sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt chuẩn quốc gia. Vườn chè được Công ty đầu tư trồng từ năm 2018. Hiện nay, 100% diện tích đã cho thu hoạch. Hàng năm, công ty sản xuất trên 10 tấn chè khô với 7 loại sản phẩm chủ yếu, trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn OCOP xếp hạng 4 sao. Cùng với chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hiện Công ty TNHH Trà Phan Nhất đang hoàn thiện thủ tục, quy trình đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm.

Công nhân Công ty TNHH Trà Phan Nhất thu hoạch chè.

Ông Phan Trọng Nhất, Giám đốc Công ty TNHH Trà Phan Nhất cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, nguồn gốc và các chứng nhận tiêu chuẩn an toàn. Do đó, công ty tập trung nghiên cứu, chuyển đổi sang hình thức canh tác hữu cơ để tạo ra những dòng sản phẩm chất lượng, xanh, sạch. Sản phẩm trà Phan Nhất đang được bán tại thị trường tỉnh Điện Biên và nhiều tỉnh trong cả nước. Công ty đang tích cực hoàn thiện các thủ tục hướng đến xuất khẩu sản phẩm chè.

Bắt đầu triển khai mô hình trồng cây ăn quả từ năm 2014. Đến nay, Công ty TNHH Cara Farm Việt Nam đã sở hữu vườn cây ăn quả với diện tích 3,5ha, trong đó: 2ha cam; 1ha bưởi; 0,5ha chuối. Ngay từ những ngày đầu thực hiện mô hình, Công ty đã định hướng sản xuất theo phương pháp hữu cơ, phát triển sản phẩm ngon, sạch và thân thiện với môi trường. Sau 8 năm thực hiện, tháng 10/2022, mô hình được cấp chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Công nhân Công ty TNHH Cara Farm Việt Nam chăm sóc vườn cây ăn quả.

Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc Công ty TNHH Cara Farm Việt Nam cho biết: Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh Điện Biên chưa bị ô nhiễm bởi khói bụi, rác thải, thích hợp với hình thức canh tác hữu cơ. Đặc biệt biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn là một lợi thế cực lớn, là điều kiện lý tưởng để phát triển các loại cây ăn quả có múi. Sản phẩm sẽ có mùi vị, chất lượng riêng biệt. Giải pháp canh tác hữu cơ năng suất, sản lượng có thấp hơn so với hình thức sản xuất truyền thống song bù lại giá trị và giá bán sản phẩm cao hơn. Hiện nay, giá bán sản phẩm bưởi da xanh 70.000 đồng/kg, cam Cara 90.000-120.000 đồng/kg. Sản phẩm thu hoạch đến đâu bán hết đến đấy. Thị trường sản phẩm không bó hẹp trong tỉnh Điện Biên mà đã phát triển rộng ra các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước.

Bài 5: Phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Bài, ảnh: Văn Tâm - Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top