Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Muôn trái tim hướng về Điện Biên

14:36 - Thứ Ba, 23/04/2024 Lượt xem: 1933 In bài viết

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp để mỗi người dân Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài hướng về Điện Biên với mong muốn tìm về cội nguồn chiến thắng và sức mạnh dân tộc với bao cảm xúc tự hào và trân trọng những chiến công lịch sử hào hùng của dân tộc trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm…” làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bởi vậy, Điện Biên tuy xa mà gần gũi, có sức sự lan toả trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam.

Tự hào “Thiên sử vàng” dân tộc

Trong những ngày hướng về kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, hàng ngàn người dân ở mọi miền đất nước đã và đang trở về Điện Biên. Nơi đây đã trở thành điểm đến, là một “bảo tàng lịch sử” của dân tộc để mỗi người khi đến đây được tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc. Bởi vậy, Điện Biên tuy là vùng đất biên cương xa xôi của Tổ quốc nhưng đã trở nên thân thuộc, gần gũi và là điểm tựa lịch sử để mỗi người dân Việt Nam luôn khắc ghi những bài học vô cùng to lớn trong lịch sử giữ nước của dân tộc. Muôn trái tim hướng về Điện Biên trong những ngày tháng lịch sử của năm 2024, cảm xúc vui tươi xen lẫn tự hào và hơn cả là vang lên trong tâm hồn mỗi người dân đất Việt là bài ca chiến thắng hào hùng về sức mạnh Việt Nam.

 Đồi A1 - Điểm nhấn trong quần thể di tích , nơi cứ điểm quan trọng quyết định chiến thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ. 

Dừng chân ở Điện Biên, trong lòng người vang lên câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”. Từ ý thơ ấy, hành trình khám phá Điện Biên trên phương diện lịch sử sẽ đưa du khách đến các địa điểm di tích, bảo tàng, địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ với những tư liệu vô cùng phong phú được lưu giữ, trưng bày và giới thiệu. Đứng trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Thanh bạt ngàn, rộng lớn, được coi là “đệ nhất” cánh đồng vùng Tây Bắc. Thời điểm tháng 4, lúa, ngô đang độ xanh tốt, cả cánh đồng là những sóng lúa ngô bạt ngàn gợi lên sức sống đang trào dâng. Bao bọc xung quanh là những triền núi trập trùng, hùng vĩ, cao ngút tầm mắt. Lòng chảo Mường Thanh như một “di tích sống” gắn với những chiến công của chiến dịch Điện Biên Phủ tháng 5/1954.

Từ cánh đồng Mường Thanh, hành trình đưa du khách đến thăm các di tích như đèo Pha Đin, Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đồi A1, Hầm tướng Đờ Cát, Hố bộc phá, Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ, lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán làm việc của Ban thông tin chiến dịch… Tại không gian Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, hàng trăm hiện việt, tranh, ảnh tư liệu gắn liền với quá trình tổ chức chiến dịch vô cùng gian khổ và hào hùng được giới thiệu, tái hiện sinh động, rõ nét. Đó là hình ảnh những chiến sỹ Điện Biên “khoét núi, ngủ hầm”, là những dân công hoả tuyến bên chiếc xe thồ trên đường tới Điện Biên, hình ảnh tham gia chiến dịch của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Điện Biên, khí thế tiến công như vũ bão của quân và dân ta trên các cứ điểm và đặc biệt là trận quyết định trên đỉnh đồi A1 lịch sử.

 Hình ảnh chiến sỹ Điện Biên được tái hiện trong Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. 

Các hiện vật, tư liệu và hầm, lán trong quần thể di tích chiến thắng Điện Biên Phủ dường như còn được giữ nguyên vẹn sau thời gian 70 năm. Trong đó, hầm chỉ huy của tướng Đờ Cát nằm ở trung tâm tập đoàn cứ điểm, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên là một trong những di tích quan trọng. Căn hầm được thiết kế kiên cố, vững chắc, là nơi quân và dân ta đổ biết bao công sức, xương máu để quyết tâm dành chiến thắng. Địa điểm này cũng là trận tấn công cuối cùng, mang tính quyết định của chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung. Nơi đây, đúng 17h30 phút ngày 07/05/1954, chỉ huy trường đại đội 360, trung đoàn 209, sư đoàn 312 - Tạ Quốc Luật đã bắt sống được tướng địch Đờ Cát. Lá cờ quyết chiến quyết thắng được cắm trên nóc hầm Đờ Cát, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp ở Điện Biên và Việt Nam. Hình ảnh lá cờ tung bay trên nóc hầm đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho sức mạnh và bài ca chiến thắng của dân tộc Việt Nam.

Mỗi di tích là những sự kiện lịch sử quan trọng trong bộ tư liệu tổng thể về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Mỗi hiện vật, mỗi bức phù điêu, tượng đài, những câu thơ và các bức vẽ được trưng bày đều toát lên khí thế hào hùng, quật khởi của quân và dân ta trong những ngày tháng cao trào của chiến dịch. Tại Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ, một trong những tư liệu để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách là tấm panorama chiến dịch Điện Biên Phủ. Theo lời thuyết minh giới thiệu của cán bộ Bảo tàng, pano có tổng diện tích là 3.225m², đường kính 42m, được thiết kế theo bố cục hình tròn, vẽ bằng chất liệu sơn dầu, chiều dài của tác phẩm là 132m, chiều cao là 20,5m. Bức panorama rộng lớn đã tái hiện sinh động, gợi lên không khí hào hùng của toàn dân tộc trong không khí ra trận trùng điệp, hùng tráng, khí thế tiến công oanh liệt và chiến thắng vang dội trên cứ điểm Điện Biên Phủ.

 Không khí chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội, lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu được gợi lên chân thực qua không gian Bảo tàng. 

Trước những tư liệu lịch sử trên mảnh đất Điện Biên anh hùng, mỗi người dân Việt Nam khắc ghi trong lòng mình những bài học vô cùng giá trị về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ. Bài ca hào hùng về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, về lòng yêu nước và sức mạnh Việt Nam đã hun đúc thành “Thiên sử vàng” chiến thắng Điện Biên Phủ, có sức lay động trái tim mỗi người để nhân lên lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, như lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (tháng 3/1964: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới…”.

Hướng về Điện Biên

Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là dịp để mỗi người dân Việt Nam, kiều bào ở nước ngoài hướng về Điện Biên với mong muốn tìm về cội nguồn chiến thắng và sức mạnh dân tộc với bao cảm xúc tự hào và trân trọng. Về với Điện Biên trước hết là trở về với những chiến công lịch sử hào hùng của dân tộc trong “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm…” làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Bởi vậy, Điện Biên tuy xa mà gần gũi, có sức sự lan toả trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Dù sinh sống và làm việc ở nơi đâu, người dân đất Việt cũng luôn hướng về Điện Biên - “Địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống yêu nước trường tồn với thời gian.

 Du khách thăm quan, trải nghiệm về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tại Bảo tàng. 

Những ngày này, mảnh đất Điện Biên đón hàng ngàn du khách đến thăm và trải nghiệm bằng hai loại hình giao thông là đường hàng không và đường bộ. Càng gần đến ngày kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nơi đây càng trở nên đông vui, tấp nập và rực rỡ cờ hoa. Đến Điện Biên, ngoài thăm quan những điểm di tích trong quần thể di tích chiến thắng Điện Biên, người dân mọi miền có cơ hội khám phá vẻ đẹp của mảnh đất và con người nơi đây. Là một tỉnh vùng cao của Tây Bắc, nơi có đông đồng bào các dân tộc sinh sống, Điện Biên sở hữu những tiềm năng du lịch bao gồm thắng cảnh thiên nhiên, bản sắc văn hoá các dân tộc, các lễ hội, ẩm thực, các loại hình nghệ thuật truyền thống... Hoạt động nổi bật nhân dịp kỷ niệm 70 Chiến thắng Điện Biên Phủ là “Năm Du lịch Quốc gia - Điện Biên 2024 và Lễ hội Hoa Ban 2024” được khai mạc từ ngày 16/3/2024 đã và đang diễn ra với nhiều chương trình hấp dẫn. Đây là điểm nhấn tạo nên sức hút du lịch của Điện Biên đối với du khách mọi miền.

Trở về Điện Biên những ngày đầu hè, từng đoàn cựu chiến binh tại các tỉnh, các địa phương mang trên ngực những tấm huân chương tham gia các chuyến “Về nguồn” tại những địa điểm di tích gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ để ôn lại truyền thống vẻ vang. Các nhà trường tổ chức cho học sinh, sinh viên đến trải nghiệm tại Điện Biên. Các cơ quan, đơn vị tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề gắn với giáo dục đạo đức, lý tưởng, truyền thống dân tộc. Điện Biên đón du khách, du khách về với Điện Biên trong không khí thi đua sôi nổi và thiết thực hướng về ngày kỷ niệm 70 năm. Đây là dịp để Điện Biên giới thiệu, quảng bá cho du khách và bạn bè quốc tế những sản phẩm du lịch độc đáo của địa phương.

 Đảng bộ cơ quan Đảng - Đoàn thể huyện Hạ Hoà (Phú Thọ) tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại Điện Biên. 

Ngoài những hành trình trực tiếp về Điện Biên, ở các địa phương trong cả nước, nhiều hoạt động gắn với đợt kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ đã và đang được tổ chức sôi nổi. Những băng-rôn, khẩu hiệu, pano về chiến thắng Điện Biên Phủ được các tỉnh, huyện thiết kế trên đường phố, các khu trung tâm, cơ quan, đơn vị và làng xã để tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị trị lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ. Các nhà trường tổ chức vẽ trải cổ động, thi tìm hiểu và ngoại khoá toạ đàm, mời các cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại Điện Biên đến nói chuyện chuyên đề. Các địa phương tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các cựu chiến binh là thương binh, các gia đình chính sách có người thân là chiến sỹ Điện Biên.

Có thể khẳng định, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ là điểm tựa lịch sử, chiến thắng vĩ đại của dân tộc mà còn là sợi dây kết nối, bền chắc, xuyên suốt con người Việt Nam. Đó là linh hồn, là điểm hội tụ để muôn trái tim hướng về Điện Biên, hành trình về với mảnh đất, con người Điện Biên để khắc sâu tinh thần đại đoàn kết dân tộc, chung tay dựng xây đất nước Việt Nam giàu đẹp, phồn vinh và hạnh phúc.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top