ĐBP - Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân quanh cứ điểm đồi Độc Lập (nay thuộc xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) đã kiên cường đứng lên chiến đấu với thực dân Pháp. 70 năm sau Chiến thắng Điện Biên Phủ cứ điểm Độc Lập đã có nhiều đổi thay với diện mạo của một xã nông thôn mới.
70 năm trước, đồi Độc Lập là cứ điểm nằm ở phía Đông Bắc vùng lòng chảo huyện Điện Biên, cách trung tâm Mường Thanh khoảng 4km, có chiều dài khoảng 700m, chiều rộng 200m. Tại đây, quân đội Pháp đã bố trí nhiều hỏa lực mạnh và tiểu đoàn lính tinh nhuệ đã từng chinh chiến, bất bại ở nhiều nơi trên thế giới. Trong khi quân địch còn đang choáng váng vì cụm cứ điểm Him Lam vừa bị thất thủ thì đêm 14 rạng ngày 15/3/1954, quân ta tiến công cụm cứ điểm của địch trên đồi Độc Lập, một cụm cứ điểm được coi là “phòng ngự tốt nhất” ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trận đánh kéo dài đến 6 giờ 30 phút sáng 15/3/1954 thì kết thúc, quân ta làm chủ hoàn toàn cụm cứ điểm Độc Lập; diệt khoảng 200 tên, bắt 370 quân địch, thu nhiều vũ khí các loại. Để giành chiến thắng, quân ta hi sinh 137 chiến sĩ, bị thương 193 người. Cùng với chiến thắng Him Lam, chiến thắng Độc Lập đã đẩy địch vào thế bị động, buộc địch ở bản Kéo phải ra hàng, phá tan các ổ đề kháng mạnh nhất của phân khu bắc, mở ra cục diện và thế trận mới có lợi cho ta. Đồng thời, chiến thắng đã tạo nên khí thế và quyết tâm cho các đơn vị trên toàn mặt trận tiếp tục tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Khi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử kết thúc, cứ điểm Độc Lập là bãi chiến trường đổ nát hoang tàn, mặt đất bị bom đạn cày xới, hầm hố giao thông hào chằng chịt, ngổn ngang dây thép gai, vỏ đạn, pháo, bom, mìn. Những năm sau này, nơi đây được Nhà nước quản lý là một điểm trong quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ.
Sau giải phóng Điện Biên, nhân dân các thôn, bản quanh cứ điểm Độc Lập đoàn kết, hàn gắn vết thương chiến tranh, thi đua phát triển sản xuất. Với sự hỗ trợ của Nhà nước, các trường học, trạm y tế… dần được xây dựng phục vụ đời sống nhân dân. Cuộc sống mới của người dân hồi sinh và từng bước cải thiện trên chính mảnh đất bị bom đạn cày xới năm xưa.
Sinh sống tại mảnh đất Độc Lập từ nhỏ, ông Nguyễn Ngọc Bá, thôn Độc Lập, xã Thanh Nưa đã chứng kiến mảnh đất nơi đây có nhiều sự đổi thay. Ông Bá chia sẻ: Trước đây cuộc sống của người dân có nhiều khó khăn, quang cảnh hoang sơ, đường đất hoặc rải cấp phối là chính, nhà cửa tạm bợ. Đến nay, nhờ thụ hưởng nhiều chính sách của Nhà nước, đời sống của bà con nhân dân các dân tộc thay đổi rõ rệt, đường giao thông được bê tông hóa đến từng ngõ, nhà văn hóa được xây dựng, nhà cửa xây dựng khang trang, san sát nhau. Các hộ gia đình từ cuộc sống khó khăn đã vươn lên phát triển kinh tế, tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng nâng cao.
Ông Đinh Thế Đa, Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Độc Lập cho biết: Thôn Độc Lập có 146 hộ, 562 hộ. Trước đây, hộ nghèo trong thôn cao, nhưng qua các đợt phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, người dân đã tích cực xây dựng các mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đoàn kết tham gia các phong trào của thôn. Hiện nay thôn Độc Lập chỉ còn 1 hộ cận nghèo, 80% hộ gia đình khá giả. Người dân trong thôn không chỉ làm ruộng mà nhiều hộ phát triển mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng và kinh doanh buôn bán. Trong xây dựng nông thôn mới, khi làm đường, xây nhà văn hóa, nhiều hộ đã tự nguyện hiến đất, góp công, góp của. Trong đó có gia đình ông Vũ Văn Thuần, năm 2017, khi Chi bộ thôn đến vận động, gia đình đã hiến 238m2 đất làm nhà văn hóa thôn để người dân có nơi sinh hoạt.
Thanh Nưa ngày nay không còn đói nghèo, lạc hậu, nhân dân các thôn, bản tích cực vươn lên làm giàu. Xã đang xây dựng mô hình các nhóm liên kết sản xuất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo hướng đi trong phát triển kinh tế cho người dân.
Ông Lường Văn Hịa, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Thanh Nưa cho biết: Hiện nay, toàn xã có 457 hộ, 4.500 nhân khẩu. Năm 2017 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có 2 bản nông thôn mới kiểu mẫu là bản Mển và Thanh Bình - Co Rốm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,1%, thu nhập bình quân đạt trên 42 triệu đồng/người/năm. Các chỉ tiêu kinh tế năm sau đạt cao hơn năm trước. Hiện nay, diện tích cây lương thực có hạt của xã là 522,8ha, sản lượng đạt 3.289 tấn; giao thông, y tế, giáo dục đều thuận tiện. Nhân dân trong xã tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Sau 70 năm, Thanh Nưa đã chuyển mình mạnh mẽ với diện mạo mới. Sự thay đổi có được nhờ sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.