Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Chiến thắng Điện Biên Phủ

07:49 - Chủ Nhật, 05/05/2024 Lượt xem: 2410 In bài viết
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước kế hoạch mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Dự đoán chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đầu tháng 10/1953, tại Tỉn Keo, xã Phú Đình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, đã diễn ra cuộc họp của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng bàn về kế hoạch tác chiến Đông Xuân năm 1953 - 1954. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái... tham dự hội nghị. Kết thúc cuộc họp, Bác nói: “Tổng quân ủy phải có một kế hoạch lâu dài về mọi mặt để đối phó với kẻ địch trên chiến trường toàn quốc, sau đó phải có kế hoạch đẩy mạnh những hoạt động du kích tại đồng bằng Bắc Bộ. Về hoạt động lấy hướng Tây Bắc làm hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Hướng chính hiện nay không thay đổi, nhưng trong hoạt động có thể thay đổi. Phép dùng binh là phải “thiên biến vạn hóa”.

Tại hội nghị Tỉn Keo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng ta và cả trong kế hoạch của Nava đều chưa xuất hiện cụm từ Điện Biên Phủ. Quyết định sáng suốt của Trung ương Đảng ta là tiến lên Tây Bắc để căng địch ra, bắt chúng phải bị động đối phó với ta, như vậy đã tạo tiền đề đầu tiên cho Điện Biên Phủ xuất hiện.

Sau này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhớ lại, khi nghe đồng chí trình bày về tình hình quân địch từ tháng 5 - 10/1953: “Bác ngồi họp, thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa hai ngón tay duỗi thẳng... Đôi mắt Người lộ vẻ chăm chú. Bàn tay Bác đặt trên bàn, bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: Địch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn. Bàn tay Bác mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng...”.

Người cho rằng quân ta cần giành thế chủ động trên chiến trường, trong đó tập trung cho Tây Bắc, buộc địch phải phân tán lực lượng. Quả nhiên như dự đoán chiến lược của Người, khi quân ta hành quân lên Tây Bắc, Nava vội vàng cho quân nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng thành tập đoàn cứ điểm, với ý đồ sẵn sàng tác chiến để nghiền nát đội quân chủ lực của Việt Minh.

Người được tin tưởng tuyệt đối

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch đánh bại địch ở Điện Biên Phủ, Ban Thường vụ Trung ương quyết định thành lập Bộ Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.

Giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh, trước khi ra mặt trận, Bác nói: “Tướng quân tại ngoại”! Trao cho chú toàn quyền...”, “trận này rất quan trọng, phải đánh cho thắng. Chắc mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Chính sự tin tưởng tuyệt đối của Người đã củng cố quyết tâm thực hiện phương châm tác chiến phải “đánh chắc, tiến chắc” của Đại tướng, mà cùng với sự thay đổi ấy hàng vạn quân ta phải áp dụng một hình thức tác chiến mới, dù khó khăn, gian khổ hơn nhiều, nhưng cũng đỡ xương máu hơn và chắc chắn chiến thắng.

Ngày 22/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến Quyết thắng” cho quân đội, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công, hoàn thành cho kỳ được Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ngày 13/3/1954, quân ta bắt đầu tấn công, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Mặc dù địch ra sức chống cự và đối phó quyết liệt, nhưng quân và dân ta với tinh thần chiến đấu kiên cường, đã liên tiếp giáng cho kẻ thù những đòn chí tử. Trải qua ba đợt chiến đấu gay go, gian khổ và liên tục, sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, quân ta không để cho quân đội Pháp kịp thực hiện ý đồ của mình, mà bắt chúng phải phân tán lực lượng để ta dễ tiêu diệt.

Từ khi bị tấn công cho tới lúc thua trận, giặc Pháp liên tiếp đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác trước cách đánh, lòng quyết tâm và tinh thần chiến đấu quả cảm của quân đội ta, mặc dù trước đó chúng cho rằng Điện Biên Phủ là “bất khả xâm phạm”, bởi chúng tin vào những gì chúng có, như vũ khí hiện đại, có các quan thầy Mỹ và những tướng chỉ huy giỏi như Nava, Cogny...

Từ khi bắt đầu chuẩn bị cho đến khi chiến dịch kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi 5 bức thư và điện cho cán bộ, chiến sĩ, dân công và thanh niên xung phong ở mặt trận Điện Biên Phủ. Những bức thư đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Bác, là nguồn sức mạnh tinh thần lớn lao, cổ vũ, động viên, khích lệ quân và dân ta vượt qua khó khăn, gian khổ để làm tròn nhiệm vụ của mình.

TS. Chu Đức Tính

(Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh)

Bình luận
Back To Top