Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Chiến hào siết chặt “con nhím thép” ở Điện Biên Phủ

17:18 - Chủ Nhật, 05/05/2024 Lượt xem: 2519 In bài viết

ĐBP - Trong lịch sử quân sự thế giới, các chiến hào thường được sử dụng làm nơi ẩn nấp và phòng thủ, chưa bao giờ được xem là phương thức tiến công. Nhưng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, hình thức tác chiến “đào hào, vây lấn, tấn công, tiêu diệt” của quân đội ta đã khiến quân Pháp bất ngờ và sau này khiến giới quân sự thế giới sửng sốt. Hình thái chiến tranh sáng tạo, độc đáo được tạo nên từ sức người và dụng cụ thô sơ là cuốc và xẻng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Hệ thống giao thông hào tại Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam. Ảnh CTV

Cách đây 70 năm, với vị trí chiến lược quan trọng, Điện Biên Phủ được quân đội Pháp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm hùng mạnh mà quân Pháp gọi là một pháo đài bất khả xâm phạm. Mỗi cứ điểm đều có những tuyến chiến hào lượn quanh và giao thông hào nối liền các cứ điểm với nhau, cùng nhiều lớp rào dây thép gai vây bọc.

Trước tình hình đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch ta đã quyết định đổi từ phương thức tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Cùng với đó, lối đánh xung phong trực diện được chuyển sang đánh vây lấn, đào hào áp sát cứ điểm của địch. Thay vì một cuộc tiến công vào toàn bộ tập đoàn cứ điểm, ta xây dựng trận địa bao vây, chia cắt quân địch bằng những giao thông hào, đưa pháo vào những vị trí an toàn, đặt cứ điểm trong tầm bắn, khống chế sân bay, tiêu diệt từng trung tâm đề kháng, tiến tới bóp nghẹt “con nhím thép” ở Điện Biên Phủ.

Để đảm bảo yêu cầu vừa cơ động cho pháo, vận chuyển thương binh, điều động bộ đội lớn và tiếp cận các vị trí chiến đấu của địch, bộ đội ta đã đào hai loại chiến hào. Một là đường hào trục bao quanh toàn bộ trận địa địch ở phân khu trung tâm. Hai là đường hào bộ binh từ những vị trí trú quân của các đơn vị trong rừng đổ ra, cắt ngang đường hào trục, tiến vào những vị trí mà quân ta dự định tiêu diệt. Các loại đường hào sâu khoảng 1,7m; đường hào trục chính rộng khoảng 1,2m, còn hào bộ binh rộng khoảng 0,5m để bảo đảm an toàn trước bom đạn địch và giữ bí mật cho bộ đội khi di chuyển. Sau mỗi đoạn hào chính có các hào nhánh và hàm ếch để tránh đạn và trú ẩn.

Lực lượng xung kích theo đường hào tiến sát các vị trí của địch và tiêu diệt cứ điểm Him Lam. Ảnh tư liệu

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Kỷ thuộc Trung đoàn 176, Đại đoàn 316 (hiện đang sinh sống trên địa bàn xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) chia sẻ: “Để đảm bảo bí mật, việc đào hào được thực hiện vào ban đêm. Dụng cụ chỉ là cuốc, xẻng. Mỗi mét chiến hào được đào là mồ hôi, nước mắt, công sức của biết bao con người, sơ sẩy có thể mất mạng. Gặp phải ruộng lầy, bùn hay những đêm mưa, bộ đội ta lại phải ngụp lặn trong nước, dùng mũ sắt để đựng bùn, nước đổ đi, vô cùng cực khổ, gian nan. Đào được đến đâu phải củng cố, ngụy trang đến đó. Ngày này qua tháng khác, các chiến sĩ hết nằm đào, rồi ngồi đào cả ngày lẫn đêm. Đào đến nỗi cuốc xẻng đã cùn mòn đến hơn một nửa. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã bị thương, hy sinh khi đào hào trong tư thế tay cầm cuốc, xẻng”.

Đồi A1 là cứ điểm được trang bị hệ thống hầm hào, vũ khí tối tân của địch. Các trận đánh tại đây diễn ra vô cùng ác liệt. Ta và địch giành nhau từng tấc đất. Vì vậy, Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định đào hầm ngầm từ phía trận địa ta đến chân lô cốt địch, sau đó đặt khối bộc phá để đánh sập lô cốt. Nhiệm vụ đào hầm được giao cho Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung chỉ huy Đại đội công binh M83 và một phân đội bộ binh Tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316 đào từ ngày 20/4 – 4/5/1954 để đặt khối bộc phá 960kg.

Hố bộc phá trên đồi A1 là kết quả 15 ngày đào hầm của bộ đội ta.

Chất đất ở đồi A1 vô cùng rắn, các chiến sĩ công binh M83 đã gặp rất nhiều khó khăn, nhất là mở cửa hầm, phải mất 3 đêm mới mở được một khu vực vừa với người để tạm an toàn, nằm đào để tiếp tục khoét vào lòng đồi. Trong khi, quân Pháp không ngừng bắn súng và ném lựu đạn. Những ngày sau năng suất có khá hơn nhưng càng vào sâu càng thiếu dưỡng khí nên chỉ bố trí một người đào, còn một người bên cạnh ra sức quạt, ở phía ngoài 2 - 3 người nối theo nhau dùng quạt nan quạt không khí vào. Mỗi tổ chỉ đào được nửa tiếng đã phải thay ca. Dù khó khăn, nhưng không một ai nao núng.

Dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Nguyễn Phú Xuyên Khung, chỉ trong thời gian 15 ngày, một đường hầm ngầm với tổng chiều dài 47m được hình thành. Đúng 20 giờ 30 phút tối 6/5, khối bộc phá được điểm hỏa. Tiếng nổ ấy đồng thời là hiệu lệnh để quân ta tổng tiến công. Ngày 7/5/1954, quân ta chiếm được đồi A1 và bộ đội ta tiêu diệt hoàn toàn Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Hầm trú ẩn của quân Pháp trên đồi A1 bị bộ đội ta đánh chiếm.

Với nỗ lực phi thường của những chiến sĩ Điện Biên, một hệ thống hầm, hào chằng chịt đã được hình thành tạo điều kiện để các đơn vị và hỏa lực của ta bao vây, lấn chiếm, tấn công và tiêu diệt quân địch. Theo ước tính, chiều dài hệ thống hầm hào của ta lúc đầu trên bản đồ khoảng 100km, nhưng trong suốt chiến dịch, bộ đội ta đã đào lên gấp đôi, hơn 200km. Trận địa chiến hào của ta bao gồm các hệ thống hầm hào lớn, nhỏ, phức tạp, vừa tiến công, vừa phòng ngự; vừa bảo đảm chiến đấu, vừa bảo đảm các điều kiện sinh hoạt hàng ngày của bộ đội. Giao thông hào cũng là con đường để chúng ta vận chuyển thương binh. Với cách đánh lấn, ta đã từng bước siết chặt vòng vây rồi bất ngờ đột phá tiêu diệt địch. Sau này, cách đánh vây lấn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được một số chuyên gia nghiên cứu quân sự trên thế giới ví như chiếc thòng lọng thắt cổ quân Pháp ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Du khách tham quan hệ thống hầm hào của ta trên đồi A1.

Hệ thống chiến hào của ta trong Chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại mà còn là nơi để cứu chữa các thương binh, bệnh binh. Ngay tại giao thông hào, dưới làn mưa bom bão đạn, những người lính quân y đã khắc phục mọi khó khăn, thiếu thốn về vật chất, ánh sáng, thuốc men, biến những chiến hào, căn hầm thành những phòng mổ, những khu điều trị dã chiến, kịp thời cứu chữa cho hàng chục nghìn thương binh. Nhờ có hệ thống hầm hào, trong Chiến dịch Điện Biên Phủ lực lượng quân y đã cứu chữa cho hơn 10.000 lượt thương binh, gần 4.500 bệnh binh (chưa bao gồm quân địch), góp phần quan trọng vào việc khôi phục sức mạnh chiến đấu của các đơn vị trên toàn mặt trận.

Ông Hà Minh Hiển, chiến sĩ quân y trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Hà Minh Hiển, sinh năm 1939, tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) hiện đang sinh sống tại tổ dân phố Đồng Tâm, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa là quân y trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Hiển cho biết: “Công tác quân y tại Chiến dịch Điện Biên Phủ khác rất nhiều so với các chiến dịch trước. Đây là lần đầu tiên, chúng tôi thực hiện điều trị dưới các hệ thống hầm, hào. Đường vận chuyển thương binh được xác định là hệ thống giao thông hào. Khi ấy, tổ cứu thương chỉ có vài người. Mỗi người phải mang theo bông băng, thuốc men và dụng cụ sơ cứu. Đặc biệt, thời gian cuối tháng 4/1954, những ngày trời mưa to, nước thấm chảy vào các hầm, công tác sơ cứu gặp nhiều khó khăn”.

Con cúi chống đạn được bộ đội ta sử dụng trong lúc đào chiến hào.

Hệ thống hầm  hào trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến thuật quân sự độc đáo và sáng tạo của quân đội ta để chiến thắng quân địch được coi là mạnh hàng đầu thế giới thời điểm bấy giờ. Tại buổi tọa đàm Nghệ thuật quân sự Chiến dịch Điện Biên Phủ – Bài học thực tiễn trong chiến đấu hiện nay do Bộ tư lệnh Quân đoàn 12 tổ chức ngày 4/4/2024, Đại tá Trần Ngọc Long, nguyên Viện phó Viện Lịch sử quân sự, phân tích: Việc phát triển hệ thống trận địa tiến công, bao vây giúp bộ đội trụ vững suốt 56 ngày đêm chiến sự. Những đường hào giao thông với hàng vạn hầm cứu thương, hầm chứa vũ khí đã hạn chế thấp nhất tổn thất của bộ đội Việt Nam trước hỏa lực quân Pháp. Thậm chí, bộ đội còn xây dựng được những trận địa giả để nghi binh nhờ hệ thống hầm hào.

Bài và ảnh: Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top