Chính trịKỷ niệm 70 năm Chiến thắng ĐBP

Thỏa ước nguyện về thăm chiến trường xưa Điện Biên Phủ

17:44 - Chủ Nhật, 05/05/2024 Lượt xem: 2279 In bài viết

ĐBP - Trong dòng người lên với Điện Biên dịp đặc biệt kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, có những cụ ông tóc bạc trắng, chân run, đi lại khó khăn, khi rạng rỡ mừng vui ngày hội lớn, lúc trầm ngâm rưng rưng hoài niệm. Họ là các chiến sĩ Điện Biên từ xa về thăm mảnh đất mà mình đã gửi lại một phần thanh xuân, đã từng “khoét núi, ngủ hầm”, không tiếc máu xương chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. 70 năm trôi qua, chuyến đi thắp hương cho đồng đội, thăm chiến trường xưa này là nguyện vọng cuối cùng mà các ông nhất định phải hoàn thành...

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Tam cùng con gái hòa vào dòng người tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Sáng ngày 4/5, cô Nguyễn Thị Hương (tổ 8, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ) dìu bố là chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Tam (93 tuổi, huyện Đô Lương, Nghệ An) vào thăm Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ông ở quê mới lên thăm gia đình con gái và thăm chiến trường xưa được 2 ngày. Đường xa, đi lại khó tránh khỏi mệt mỏi nhưng “ngay sáng đặt chân đến Điện Biên, ông đã bảo con cháu đưa đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, thắp hương cho đồng đội. Hôm nay thì ông dậy rất sớm, muốn lên Đền thờ Liệt sĩ tại Chiến trường Điện Biên Phủ. Con cháu lo, can ngăn bởi Đền thờ dốc cao, nhiều bậc thang nhưng ông tha thiết tri ân những người đã ngã xuống, nên đành chiều ý ông” – cô Nguyễn Thị Hương chia sẻ. Cô cũng cho biết thêm, về lại đây tinh thần ông phấn chấn, vui vẻ, dường như khỏe hơn, cả đoạn bậc cao, dài lên Đền thờ chỉ dừng nghỉ 3 – 4 lần. Sau khi xuống, ông còn tiếp tục vào tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Ông Nguyễn Văn Tam là chiến sĩ trung đoàn 57, sư đoàn 304, tham gia vây hãm, đánh địch tại phân khu Hồng Cúm. Khi đó, Pháp xây dựng phân khu Hồng Cúm kiên cố, có sân bay dự bị nhằm nhận quân tăng viện, hàng tiếp tế. Để bao vây và kiềm chế pháo binh địch, Trung đoàn 57 tiến hành vây lấn phân khu Hồng Cúm của địch bằng các đường hào ngang dọc, hình thành 1 trận địa liên hoàn siết chặt xung quanh, cắt rời nó với phân khu trung tâm, chấm dứt việc hạ cánh của máy bay trên đường băng tại sân bay Hồng Cúm. Tháng 4 đến đầu tháng 5/1954, những đường chiến hào của Trung đoàn 57 ngày càng tiến vào gần các lô cốt địch, thắt chặt vòng vây, buộc địch phải rút chạy, thua trận.

Chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Tam vừa tham quan vừa kể chuyện đánh trận xưa cho con gái.

Thăm lại Điện Biên, hồi tưởng ký ức xưa, ông Tam xúc động: “Ban đầu tác chiến, đơn vị tôi hy sinh không ít, sau đổi chiến thuật thì giành nhiều thắng lợi. Nay trở lại đây, tự tay thắp hương cho đồng đội, anh em đã cùng chiến trường mà không khỏi nghẹn ngào. Các đồng chí hy sinh để đất nước hòa bình. Đời đời nhớ ơn! Vì thế tôi nhất định phải trở về thăm các anh dịp này, chắc cũng là lần cuối. Nguyện vọng chỉ có vậy, thực hiện được rồi mừng lắm!”.

Niềm vui ấy như tiếp thêm sức lực để mỗi bước chân thêm vững, để hành trình này của chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Tam diễn ra trọn vẹn. Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, ông vừa chậm rãi bước, tham quan bức tranh tròn “Chiến dịch Điện Biên Phủ”, vừa chỉ các chi tiết, kể chuyện đánh trận khi xưa với con gái. Cô Nguyễn Thị Hương cho biết thêm: “Mai ông muốn đi thăm Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - nơi Đại tướng làm việc, chỉ huy quân đội ta làm nên chiến thắng. Ông đã chuẩn bị cho chuyến đi Điện Biên này từ rất lâu. Từ khi kỷ niệm 60 năm Chiến thắng, ông đã bảo nếu còn đi lại được phải cố gắng lên Điện Biên mừng kỷ niệm 70 năm. Đến dịp này, con cháu vẫn băn khoăn chưa dám để ông đi đường xa, nhưng ông một mực bảo muốn thử sức đi, hoàn thành nguyện vọng”.

Chiến sĩ Điện Biên Bùi Trọng Hiến (người ngồi) lắng nghe thuyết minh bức tranh tròn “Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Cùng hướng về Điện Biên trong ngày kỷ niệm lớn, chiến sĩ Bùi Trọng Hiến (sinh năm 1933), phường 8, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu lặng lẽ cùng con gái trở lại Điện Biên. Đây cũng là lần đầu tiên ông về thăm chiến trường xưa sau 70 năm xa cách. Nguyện ước tưởng giản đơn nhưng đến nay 91 tuổi ông mới thực hiện được.

Năm 18 tuổi, ông Hiến từ quê hương Hải Phòng xung phong đi bộ đội, được biên chế vào đơn vị 148, Binh đoàn độc lập Tây Bắc, làm nhiệm vụ tiến công giải phóng Tây Bắc năm 1952. Sau đó ông cùng đồng đội đóng quân tại Điện Biên (Lai Châu cũ). Khi Pháp tái chiếm Điện Biên Phủ năm 1953, Binh đoàn tiếp tục chia lửa với Chiến dịch. Đơn vị ông Hiến được giao trọng trách bảo vệ pháo binh ta, hỗ trợ pháo cao xạ, tại cửa rừng Hoong Lếch (khu vực thuộc xã Thanh Hưng, Thanh Chăn, Thanh Yên, huyện Điện Biên). Sau ngày 7/5, ông cùng đồng đội tiếp tục hành quân sang giúp bạn Lào giải phóng Phoong Sa Ly. Cứ thế biền biệt, nhận nhiều nhiệm vụ khác nhau và vướng chuyện gia đình, xa xôi, cách trở, ông Hiến không có dịp nào trở lại được Điện Biên thăm đồng đội, thăm chiến trường xưa.

Chiến sĩ Điện Biên Bùi Trọng Hiến thỏa ước nguyện thăm lại chiến trường xưa.

Rạng rỡ vì đã thực hiện được mong ước, ông Hiến tâm sự: “Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, nhìn xuống là đất đai Mường Thanh, cảm xúc đã dâng lên nghẹn ngào trong lòng. Những ngày khốc liệt, gian khổ mà hùng tráng, hứng chịu biết bao bom đạn, và có khi nhiều ngày không có gì để ăn... lần lượt ùa về. Đặt chân xuống Điện Biên Phủ là tôi đã mãn nguyện lắm rồi, phải đứng lại nhìn xung quanh thật kỹ. Chiến trường ngày ấy giờ thay đổi nhiều quá, hiện đại, khấm khá và tươi đẹp, không phụ xương máu, hy sinh của đồng đội tôi năm xưa. Dịp này mọi người còn nô nức với nhiều hoạt động kỷ niệm hoành tráng. Tôi càng thêm tự hào vì đã góp một phần nhỏ vào Chiến thắng”.

Ông Hiến lên thăm Điện Biên từ ngày 2/5 đến dự kiến qua lễ kỷ niệm ngày 7/5. Ông cố gắng mỗi ngày đi thăm 1 – 2 địa điểm, nghĩa trang liệt sĩ, bảo tàng, di tích lịch sử gắn liền với chiến dịch để thỏa lòng mong ước.

Nguyện vọng trở lại mảnh đất từng vào sinh ra tử đúng dịp đặc biệt kỷ niệm 70 năm chiến thắng của chiến sĩ Điện Biên Nguyễn Văn Tam và Bùi Trọng Hiến đã thực hiện được. Hòa vào dòng người thăm các điểm đến, di tích lịch sử, một lần nữa các ông lại miên man hồi nhớ, trở lại là chàng thanh niên 18, 20 hừng hực khí thế xung trận năm nào, gặp lại đồng đội cùng chia ngọt sẻ bùi trong miền ký ức...

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top