Kinh tếMôi trường rừng

Nỗ lực từ những người làm chính sách bảo vệ và phát triển rừng

11:43 - Thứ Bảy, 14/05/2022 Lượt xem: 2166 In bài viết

ĐBP - Sau 10 năm đi vào hoạt động, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã thực hiện nhiều giải pháp để phát huy hiệu quả các nguồn quỹ bảo vệ, phát triển rừng. Hoạt động của Quỹ đã có tác động tích cực đến công tác bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh Điện Biên. Đặc biệt là việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách và chế độ, đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong nhận thức, ý thức, trách nhiệm của người dân về quản lý, bảo vệ rừng.

Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phổ biến, hướng dẫn các chính sách chi trả DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ.

Những ngày cuối tháng 4, chúng tôi có dịp được tham dự lớp tập huấn nâng cao năng lực thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) cho các chủ rừng là cộng đồng thôn, bản trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Lớp tập huấn diễn ra trong không khí khá sôi nổi với nhiều câu hỏi, nội dung gắn liền với các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng từ thực tế diễn ra trên địa bàn các thôn, bản. Những thắc mắc của các chủ rừng được cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng hướng dẫn, giải đáp một cách “thấu tình đạt lý”.

Sau khi được cán bộ Quỹ giải thích về một số chính sách, anh Quàng Văn Ân, bản Khá, xã Mường Phăng (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: “Thực tế có nhiều chính sách mới, chúng tôi chưa thể nắm bắt kịp thời để phổ biến cho bà con. Nay được các cán bộ phổ biến kiến thức về chính sách chi trả DVMTR của Luật Lâm nghiệp thì chúng tôi đã hiểu và sẽ tiếp tục phổ biến cho dân bản được biết. Việc tuyên truyền, phổ biến kịp thời và chi trả đầy đủ các chế độ, chính sách DVMTR trong thời gian qua của cơ quan chức năng, nhất là Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thay đổi ý thức về việc giữ rừng của bà con, giúp họ thêm quyết tâm giữ rừng”.

Chính sách chi trả DVMTR đã tác động tích cực, toàn diện đến hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở tỉnh ta. Để người dân thêm gắn bó với rừng, tích cực tham gia giữ rừng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ cho người dân. Đảm bảo chính sách chi trả kịp thời, đúng đối tượng, những người làm chính sách của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh phải rất nỗ lực để việc chi trả đảm bảo khách quan và chính xác.

Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Minh Hải, cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết:Để thực hiện chính sách chi trả DVMTR đúng, đủ, kịp thời thì bản thân tôi cũng như cán bộ Ban Điều hành quỹ xác định, việc rà soát diện tích là nhiệm vụ trọng tâm. Rà soát, đi kiểm tra thực tế xác định những diện tích có biến động hằng năm theo phản ánh của các chủ rừng, tổng hợp số liệu để chia đơn giá cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh. Sau đó tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh điều tiết tiền DVMTR chưa có đối tượng chi trả sang các đơn vị có đơn giá thấp”.

Mỗi cán bộ của Quỹ đều đảm nhận một công việc khác nhau, nhưng tựu chung vẫn là mang đến lợi ích cho nhân dân một cách kịp thời, chính xác. Ông Tòng Anh Tú, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: “Địa bàn rộng, mỗi cán bộ quản lý một huyện, diễn biến rừng, diện tích rừng thay đổi hàng năm, buộc cán bộ kỹ thuật phải theo dõi, cập nhật để xác định diện tích chi trả cho người dân. Các giải pháp để khắc phục khó khăn thì phòng đã phối hợp với các lực lượng chuyên môn để xác định diện tích rừng hằng năm đúng, đủ, kịp thời. Và hằng năm Quỹ có tổ chức tham gia các lớp tập huấn cho cán bộ và nâng cao ứng dụng KHKT, công nghệ để áp dụng vào công việc”.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song từ khi thành lập (năm 2012) đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã ký 17 hợp đồng với các đơn vị sử dụng DVMTR lưu vực nội tỉnh, gồm: 15 nhà máy thuỷ điện, 1 công ty nước và 1 đơn vị sử dụng nước cho công nghiệp. Quỹ đã chủ động đề nghị Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam điều phối tiền chi trả DVMTR đối với các cơ sở sử dụng DVMTR có lưu vực liên tỉnh. Tính đến tháng 4/2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thu và tiếp nhận tổng số tiền DVMTR trên 1.650 tỷ đồng; trong đó đã giải ngân gần 1.400 tỷ đồng để chi trả cho các chủ rừng, chi quản lý, hỗ trợ các chương trình dự án, hỗ trợ trồng cây phân tán, trồng rừng thay thế... Đến nay, toàn tỉnh có gần 400.000ha rừng đủ điều kiện cung ứng DVMTR và đã được chi trả tiền từ chính sách này.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chia sẻ: Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, được thành lập theo Quyết định số 134/QĐ-UBND ngày 08/3/2012 của UBND tỉnh Điện Biên. Khi mới thành lập, đơn vị đã tích cực tham mưu cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Hội đồng Quản lý quỹ xây dựng và kiện toàn bộ máy của Quỹ. Việc quản lý điều hành và thực hiện chi trả DVMTR cho các cộng đồng cũng được đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đảm bảo công khai và minh bạch. Qua đó đã huy động được các nguồn lực xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng. Từ đó đã huy động được sức mạnh của toàn dân, các cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, góp phần thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp…

Trước sự đóng góp cũng như nỗ lực của những người làm chính sách Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Có thể nói, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh hoạt động trong 10 năm qua đã góp phần tích cực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; đặc biệt là góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao năng lực và thu nhập của người dân khi tham gia giữ rừng. Để có sự thay đổi tích cực đó, Quỹ đã thực hiện việc chi trả tiền DVMTR và các chế độ chính sách về bảo vệ, phát triển rừng đúng, đủ, kịp thời. Qua đó đã nhận được sự tin tưởng của toàn thể cộng đồng. Ngoài ra, Quỹ cũng chú trọng đến công tác trồng rừng thay thế, vì đây là nhiệm vụ Quỹ được giao để quản lý đối với các diện tích rừng có chuyển đổi. Căn cứ vào quyết định phê duyệt của các dự án trồng rừng thay thế, Quỹ sẽ kiểm tra, giám sát trước khi thanh toán để làm sao chi trả đúng với diện tích có rừng…

Việc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh chi trả DVMTR và thực hiện đầy đủ các chính sách khác về hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng cho người dân trên địa bàn tỉnh không chỉ tác động tích cực đến bảo vệ và phát triển rừng, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Thực tế đã chứng minh, 10 năm qua, khi người dân được hưởng tiền chi trả DVMTR, bà con đã nỗ lực hơn trong việc bảo vệ, trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận
Back To Top