Kinh tếMôi trường rừng

Cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng

14:14 - Thứ Năm, 28/07/2022 Lượt xem: 2070 In bài viết

ĐBP - Theo thống kê của Qũy Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh, năm 2021, thu nhập bình quân của mỗi hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) là hơn 2,3 triệu đồng/hộ/năm. Chính sách chi trả DVMTR đã thực sự mang lại hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội và môi trường; thay đổi nhận thức và cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng.

Người dân bản Lập, thị trấn Tuần Giáo nghe tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, tỉnh Điện Biên, cho biết: Nghị định 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 về chính sách chi trả DVMTR là một bước ngoặt chính sách đối với nghề rừng cho các địa phương có rừng. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng số chủ rừng được nhận tiền chi trả DVMTR rừng là 4.152 chủ rừng, trong đó: 5 chủ rừng là tổ chức, 4 chủ rừng là tổ chức khác, 47 chủ rừng là UBND xã được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 1.031 chủ rừng là cộng đồng và 3.065 chủ rừng là hộ gia đình. Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng giúp nâng cao năng lực bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn các hệ sinh thái rừng, tính đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên của rừng.

​Về khía cạnh kinh tế, việc chi trả tiền DVMTR đã trực tiếp giúp nhiều địa phương có kinh phí để triển khai công tác bảo vệ rừng; các chủ rừng và các hộ nhận khoán rừng có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Đặc biệt, có những hộ nhận được số tiền chi trả DVMTR cao nhất trong một năm lên đến hơn 120 triệu đồng. Điển hình tại xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, một số gia đình có mức thu nhập từ chi trả DVMTR cao, như: Cộng đồng bản Pa Ma, bình quân mỗi hộ trong cộng đồng nhận được 123 triệu đồng/năm; cộng đồng bản Tả Ló San, bình quân mỗi hộ trong bản nhận được 115 triệu đồng/năm; cộng đồng bản Long San bình quân mỗi hộ nhận được 63 triệu đồng/năm. Có thể nhận thấy, chính sách chi trả DVMTR không những giúp người dân nâng cao ý thức trong bảo vệ, PCCCR, mà còn góp phần tạo sinh kế, giúp người dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với nghề rừng. Với số tiền nhận được từ chính sách chi trả DVMTR, các hộ gia đình sử dụng để quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao, mua phân bón, cây, con giống, đầu tư máy móc để phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế, một phần sử dụng chi tiêu cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nâng cao đời sống.

Tại huyện Tuần Giáo, hiện có hơn 42.821ha đất có rừng, trong đó, khoảng 41.895ha là rừng tự nhiên và hơn 926ha rừng trồng. Trong năm 2021, tổng diện tích rừng đủ điều kiện được chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) của huyện Tuần Giáo là hơn 32.000ha, với số tiền được chi trả trên 22 tỷ đồng. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp cho các hộ gia đình nhận khoán và bảo vệ rừng, một số thôn, bản đã họp bàn thống nhất sử dụng nguồn tiền DVMTR để đầu tư cho các công trình phúc lợi xã hội phục vụ lợi ích chung của thôn, bản, như: Làm mới và tu sửa đường giao thông nông thôn, xây dựng, tu sửa, làm mới công trình nhà văn hóa, trụ sở thôn, điểm trường...

Anh Quàng Văn Chung ở bản Lập, thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo chia sẻ: Năm 2021 gia đình tôi nhận được gần 2,5 triệu đồng tiền chi trả DVMTR. Số tiền này có được nhờ công sức bỏ ra để bảo vệ, phát triển tốt diện tích rừng nhận khoán. Tính ra mỗi tháng gia đình tôi có thêm thu nhập hơn 200.000 đồng nhờ tiền bảo vệ rừng. Không chỉ góp phần mua lương thực, trang trải cuộc sống, gia đình tôi mua thêm con giống để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm nên cuộc sống bớt phần khó khăn. Tôi hiểu rằng, bảo vệ rừng để có tiền mua lương thực chứ không phải chỉ làm nương mới có lúa, ngô như trước, mà rừng lại được bảo vệ, phát triển xanh tốt; giữ nước, điều tiết nước, bảo vệ các công trình thủy lợi trong vùng.

Được biết, năm 2021, diện tích rừng được hưởng tiền chi trả DVMTR của toàn tỉnh là hơn 307.821ha với số tiền phải chi trả trên 245,9 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân được hơn 235,5 tỷ đồng. Từ những kết quả thực tiễn đã minh chứng cho thấy, cùng với các nguồn thu nhập khác từ rừng, tiền DVMTR đã góp phần tạo công ăn, việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân gắn bó với rừng. Chính sách chi trả DVMTR có tác động rất lớn trong việc cải thiện đời sống của người dân, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ rừng, giúp ổn định an ninh, chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top