Kinh tếMôi trường rừng

Khi rừng trở thành “tài sản chung” của cộng đồng

06:24 - Chủ Nhật, 28/08/2022 Lượt xem: 2440 In bài viết

ĐBP - Những năm gần đây, ý thức cũng như hành động của người dân trong công tác bảo vệ, phát triển rừng đã có thay đổi căn bản. Ngoài công tác tuyên truyền của các địa phương, cơ quan chuyên môn thì nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho việc bảo vệ, trồng và khoanh nuôi tái sinh rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được áp dụng đã giúp người dân hình thành tư duy giữ rừng. Việc bảo vệ rừng hiện nay không của riêng cá nhân hay tổ chức, đoàn thể mà đã trở thành nhiệm vụ của toàn dân cùng nhau quản lý, gìn giữ "tài sản chung", phát triển những cánh rừng.

Cộng đồng bản Huổi Lóng, xã Na Sang (huyện Mường Chà) kiểm tra diện tích rừng giao cho bà con dân bản quản lý và bảo vệ.

Từ năm 2010, bản Cổng Trời, xã Sa Lông (huyện Mường Chà) nhận quản lý và bảo vệ 420ha rừng phòng hộ trên địa bàn. Trong khi đó, cả bản chỉ có hơn 60 gia đình, như vậy, trung bình mỗi hộ sẽ được giao nhiệm vụ giữ màu xanh cho khoảng 7ha rừng. Diện tích rừng lớn, đồng nghĩa với trọng trách, trách nhiệm của mỗi gia đình, cá nhân càng thêm nặng nề hơn. Nhưng không vì vậy mà làm khó dân bản Cổng Trời trong công tác giữ rừng, vì bên cạnh mỗi hộ dân còn có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng bản. Mỗi khi có cháy rừng, cả bản sẽ tự giác cùng nhau đi dập lửa hay có sự việc gì liên quan đến diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ, họ cùng ngồi lại để bàn bạc, thống nhất các phương án, biện pháp giải quyết sao cho “thấu tình đạt lý” nhất dựa trên quy ước, hương ước của bản. Đặc biệt là từ khi dân bản được hưởng lợi tiền DVMTR, ai nấy đều nhiệt tình tham gia tuần tra canh gác và hưởng ứng các phong trào quản lý bảo vệ rừng.

Ông Vàng Trùng Chìa, bản Cổng Trời chia sẻ: Ðể làm tốt công tác giữ rừng, bản Cổng Trời đã giao nhiệm vụ cho tất cả hộ dân trong bản cùng quản lý. Mỗi hộ 1 thành viên tham gia bảo vệ rừng; nếu ai vi phạm, không chấp hành thì theo quy ước của bản mà xử lý, nhẹ thì nhắc nhở, nặng thì giao cho cấp trên giải quyết. Vì tất cả các hộ đều được hưởng tiền chi trả DVMTR thì phải có trách nhiệm bảo vệ rừng chứ! Có bảo vệ được rừng mới được hưởng nhiều tiền chi trả DVMTR của Nhà nước. Vì vậy, cứ theo hương ước của bản, để bảo vệ rừng tốt, mỗi cá nhân, hộ dân trong bản đều phải chấp hành một cách nghiêm túc, khi có cháy rừng mọi người đều phải tham gia chữa cháy và nghiêm cấm hành vi chặt, phá rừng, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt. Còn các gia đình làm nương gần rừng khi vào mùa đốt nương phải tuân thủ đốt vào giờ quy định (từ 6 giờ - 9 giờ sáng hoặc từ 3 - 4 giờ chiều)...

Để phát huy vai trò giữ rừng và phát triển rừng từ người dân, việc thực hiện chặt chẽ các chính sách hỗ trợ bảo vệ, phát triển rừng, nhất là chính sách chi trả DVMTR có vai trò hết sức quan trọng. Từ đó, người dân càng nhận thấy rõ hơn lợi ích của việc bảo vệ rừng mà chủ động xây dựng và thực hiện các biện pháp, cách làm phù hợp để bảo vệ rừng. Đơn cử như huyện Nậm Pồ hiện có gần 50.000/63.000ha rừng được chi trả DVMTR nên bà con đã ý thức hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Được hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR, người dân xã Pa Tần (huyện Nậm Pồ) đã ý thức, trách nhiệm trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bà con đã thực sự coi rừng là tài sản của mình. Bà Vàng Thị Vân, Bí thư Đảng ủy xã Pa Tần chia sẻ: Pa Tần là một trong những xã được chi trả DVMTR khá cao, gần 10 tỷ đồng/năm. Khi có tiền hỗ trợ đó, bà con chủ yếu chi tiêu mua các dụng cụ thiết yếu cho gia đình, khai hoang ruộng nước tăng diện tích trồng lúa. Phần còn lại cộng đồng các bản làm quỹ phục vụ công tác phòng chống cháy rừng, bảo vệ rừng. Bằng nguồn tiền được nhận từ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, những năm gần đây, nhiều gia đình đã đầu tư, phát triển chăn nuôi, sản xuất nên kinh tế có phần khấm khá hơn, ný thức bảo vệ rừng cũng được nâng lên rõ rệt; tình trạng chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép trên địa bàn đã được hạn chế.

Có thể thấy, việc người dân được hưởng tiền chi trả DVMTR đã góp phần không nhỏ để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cho biết: Trong 5 năm (2016 - 2020), toàn tỉnh có hơn 4.600 chủ rừng được nhận tiền chi trả DVMTR với tổng số tiền hơn 880 tỷ đồng. Và hiện nay, tỉnh Điện Biên có hơn 40.000 gia đình hưởng lợi từ chính sách chi trả DVMTR. Không chỉ tạo sinh kế ổn định cho nhiều hộ dân tham gia bảo vệ rừng, việc triển khai chi trả DVMTR chính là động lực thúc đẩy mỗi người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác bảo vệ, phát triển rừng. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã thực hiện đầy đủ, chính xác và kịp thời chính sách chi trả DVMTR cho các chủ rừng. 7 tháng đầu năm 2022, Quỹ đã tập trung rà soát, xác định diện tích rừng được chi trả DVMTR; hoàn thành chi trả 161,189 tỷ đồng tiền DVMTR năm 2021 qua tài khoản ngân hàng cho các chủ rừng và thanh toán tiền DVMTR các năm trước là 19,539 tỷ đồng. Đồng thời, tiếp tục đôn đốc, hỗ trợ, hướng dẫn chủ rừng mở tài khoản ngân hàng để nhận tiền chi trả DVMTR, trong đó đã mở thêm 845 tài khoản, nâng tổng số tài khoản đã mở đến hết tháng 7/2022 lên 3.118/4.152 tài khoản (đạt 75,1%)…

Để quản lý, bảo vệ rừng ngày càng bền vững, rất cần sự chung tay của toàn dân, trong đó các chính sách hỗ trợ bảo vệ rừng, chi trả DVMTR chính là nguồn động lực, thúc đẩy ý thức, trách nhiệm của nhân dân. Khi bà con thực sự coi rừng là “tài sản chung” thì họ sẽ cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp và lực lượng chức năng chung tay quản lý, phát triển rừng hiệu quả; giữ gìn màu xanh cho những cánh rừng và bảo vệ sự đa dạng của hệ sinh thái trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top