Kinh tếMôi trường rừng

Đôn đốc thu tiền ủy thác dịch vụ môi trường rừng

07:42 - Thứ Bảy, 10/09/2022 Lượt xem: 3058 In bài viết

ĐBP- Cùng với việc thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách và chế độ liên quan đến dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh là đôn đốc các cơ sở, nhà máy thủy điện trên địa bàn để thu tiền ủy thác chi trả dịch vụ môi trường rừng đã ký kết. Từ đó tăng nguồn thu tiền DVMTR, tạo điều kiện tăng đơn giá chi trả DVMTR, giúp người dân, các chủ rừng nâng cao thu nhập từ việc bảo vệ và phát triển rừng.

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với Công ty CP Thủy điện SODIC Điện Biên.

Hiện nay, việc ký kết hợp đồng uỷ thác DVMTR trên địa bàn tỉnh thuận lợi, nguồn thu tiền DVMTR chủ yếu từ các cơ sở sản xuất thuỷ điện và kinh doanh nước sạch. Đến tháng 6/2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã ký kết 17 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với 15 cơ sở sản xuất thủy điện, 1 cơ sở sản xuất và kinh doanh nước sạch và 1 cơ sở sản xuất công nghiệp.

Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên hiện có 6 nhà máy nước trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Mường Chà, Mường Lay, Tủa Chùa, Điện Biên Đông và Tuần Giáo. Từ năm 2011, Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên đã ký kết hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Đơn vị luôn thực hiện đầy đủ quyền hạn và nghĩa vụ của bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng được quy định tại Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ. Đồng thời nghiêm túc thực hiện đầy đủ các điều khoản được quy định tại hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR đã ký kết.

Ông Phạm Quang Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Điện Biên cho biết: Xác định việc chi trả DVMTR là một chủ trương đúng đắn, đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển nguồn tài nguyên rừng nói riêng, vậy nên là đơn vị sử dụng DVMTR, từ năm 2011 trở lại đây, công ty đều chấp hành nghiêm túc việc chi trả tiền DVMTR ủy thác theo quy định. Cụ thể, mức chi trả tiền DVMTR đối với cơ sở sản xuất nước sạch là 52 đồng/m3 nước thương phẩm. Công ty nộp tiền cho Quỹ từng quý, thời gian nộp tiền chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày kết thúc quý đối với quý I, II, III; 45 ngày kể từ ngày kết thúc đối với quý IV hàng năm. Đơn cử năm 2021, tổng sản lượng nước thương phẩm do đơn vị cung cấp hơn 5 triệu mét khối, công ty đã nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh gần 262 triệu đồng… Việc thực hiện tốt các điều khoản trong hợp đồng ủy thác chi trả tiền DVMTR góp phần quan trọng để tăng nguồn thu tiền DVMTR, tăng thu nhập cho người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Bên cạnh những đơn vị chấp hành nghiêm túc vẫn có đơn vị nợ tiền sử dụng DVMTR, như: Thủy điện Na Son nợ 101 triệu đồng tiền DVMTR năm 2019. Để tăng nguồn thu tiền DVMTR và đầu tư, hỗ trợ lại cho các đơn vị chủ rừng, thời gian qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành chức năng của tỉnh rà soát, ký hợp đồng thu tiền DVMTR từ các đơn vị sử dụng nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Từ đầu năm đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh tiếp tục ký kết hợp đồng uỷ thác chi trả DVMTR với các đơn vị mới đi vào hoạt động, trong đó ký kết 02 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR với Thuỷ điện Huổi Chan 1 (Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6) và Thuỷ điện Mùn Chung 2 (Công ty CP Thuỷ điện SODIC Điện Biên).

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cho biết: Thực hiện Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ, để triển khai công tác thu tiền DVMTR đối với các đơn vị sử dụng DVMTR, thời gian qua Quỹ bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh đã tích cực rà soát, thương thảo và ký hợp đồng với các cơ sở sản xuất thủy điện, sản xuất và kinh doanh nước sạch và cơ sở sản xuất công nghiệp. Căn cứ hợp đồng đã ký, hàng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc các nhà máy thủy điện chuyển trả tiền ủy thác để đảm bảo cho việc chi trả tiền DVMTR đến tay người dân.

Với các thủy điện nằm trên lưu vực của tỉnh, ngay từ khi xây dựng nhà máy và tiến tới ký kết hợp đồng bán sản phẩm với bên tiêu thụ, các đơn vị phải ký hợp đồng ủy thác DVMTR với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh. Còn các thủy điện nằm trên lưu vực liên tỉnh phải ký hợp đồng ủy thác với Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam. Đồng thời, hàng năm, các cơ sở đều phải đăng ký kế hoạch sản lượng và xây dựng báo cáo về kết quả sử dụng DVMTR hàng quý. Đây là điều kiện bắt buộc mà các cơ sở sản xuất thủy điện phải thực hiện để Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng theo dõi tình hình các đơn vị sử dụng dịch vụ.

Cùng với đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cũng xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát hàng năm với một số đơn vị sử dụng DVMTR và đối chiếu với kế hoạch nộp tiền chi trả DVMTR, hóa đơn cung cấp sản phẩm và tiền nộp thuế tài nguyên. Nếu đơn vị chậm nộp tiền ủy thác DVMTR, Quỹ sẽ đôn đốc và nhắc nhở; cơ sở nào chấp hành không nghiêm túc sẽ tiến hành xử phạt vi phạm hành chính để tiền dịch vụ môi trường rừng đến tay người dân một cách đầy đủ và kịp thời nhất.

Có thể thấy, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại “lợi ích kép” cho bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng và bên cung ứng rừng. Vì vậy, các cơ sở sử dụng DVMTR cần nghiêm túc chấp hành các quy định và điều khoản trong hợp đồng đã ký kết với Quỹ; qua đó giúp cải thiện thu nhập cho người dân, góp phần đảm bảo nguồn thu dịch vụ môi trường rừng hàng năm trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận

Tin khác

Back To Top