ĐBP - Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt cho người dân trực tiếp tham gia khoán quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Mường Chà. Góp phần đưa chính sách vào thực tiễn, tháng 10 vừa qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BVPTR) tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách đến tận các thôn, bản của huyện Mường Chà; nâng cao nhận thức cho người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng.
Bà Đặng Thị Thu Hiền, Giám đốc Quỹ BVPTR rừng tỉnh, cho biết: Trước đây, hoạt động tuyên truyền thường được tổ chức tại thành phố hoặc trụ sở UBND các xã, thành phần tham gia chủ yếu là đại diện các Ban quản lý rừng cộng đồng thôn, bản. Sau khi tham gia các buổi tuyên truyền, đại diện các Ban quản lý rừng cộng đồng về truyền đạt lại nội dung cho người dân trong bản. Tuy nhiên, với số lượng nội dung luật, nghị định nhiều mà năng lực của Ban quản lý rừng cộng đồng còn hạn chế, nên người dân còn nhiều vấn đề chưa nắm bắt được. Vì vậy, đơn vị đã xây dựng và tổ chức tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR tại các thôn, bản trên địa bàn huyện Mường Chà.
Theo đó, từ ngày 3/10 - 14/10/2022, Quỹ BVPTR tỉnh đã tổ chức 2 đợt tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR tại 20 thôn, bản thuộc 10 xã huyện Mường Chà với hơn 1.000 người tham gia. Tại các buổi tuyên truyền, cán bộ Quỹ BVPTR tỉnh Điện Biên đã tập trung truyền tải đến chủ rừng một số quy định cơ bản của Luật Lâm nghiệp và Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; triển khai hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền DVMTR theo Công văn số 239/QBVR-BĐH ngày 16/7/2019 của Quỹ BVPTR tỉnh về hướng dẫn quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR cho các chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn, bản; giải đáp những thắc mắc của chủ rừng trong việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR.
Bản 36, xã Sa Lông, huyện Mường Chà có 210 hộ tham gia bảo vệ hơn 331,3ha rừng. Ngày 10/10 vừa qua, cán bộ Quỹ BVPTR tỉnh đã phối hợp với cán bộ kiểm lâm địa bàn đến tận bản tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR cho 51 người dân. Các chủ rừng không chỉ tập trung lắng nghe mà còn đưa ra nhiều ý kiến vướng mắc liên quan đến chính sách chi trả DVMTR. Những ý kiến của người dân trong bản được cán bộ Quỹ BVPTR tỉnh tiếp thu và phản hồi những ý kiến thắc mắc thuộc thẩm quyền.
Ông Chớ Nụ Sùng, trưởng bản 36 chia sẻ: Việc tổ chức tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR ngay tại bản không chỉ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng mà còn biết sử dụng nguồn tiền từ dịch vụ này sao cho hợp lý.
Trước đó, ngày 7/10 tại xã Mường Tùng, 137 hộ dân của bản Tin Tốc và bản Mường Tùng cũng đã được nghe tuyên truyền, phổ biến chính sách chi trả DVMTR. Với việc đổi mới cách truyền tải thông tin cởi mở, gần gũi, ngắn gọn, dễ nhớ, các buổi tuyên truyền đã diễn ra sôi nổi, thu hút đông đảo các hộ gia đình, cá nhân trong bản tham gia.
Trưởng bản Mường Tùng Vi Văn Núi chia sẻ: Tham gia các buổi tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR, bản thân tôi cùng người dân trong bản đã hiểu hơn về ý nghĩa của bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, nguồn đất. So với trước đây, nhận thức về bảo vệ và phát triển rừng của cộng đồng dân cư bản Mường Tùng đã được nâng lên rõ rệt. Bản đã xây dựng kế hoạch, sắp xếp lịch đi tuần tra rừng phù hợp và sử dụng nguồn tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng hiệu quả. Mỗi hộ dân đều ý thức nêu cao trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng.
Huyện Mường Chà hiện có 122 chủ rừng (trong đó 93 chủ rừng là cộng đồng, 15 hộ gia đình, 12 UBND xã, thị trấn được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng, 1 Ban quản lý rừng phòng hộ, 1 Đồn Biên phòng Mường Mươn) được giao quản lý, chăm sóc, bảo vệ và hưởng tiền chi trả DVMTR, với tổng diện tích trên 43.800ha. Xác định “cái gốc” phải từ nhận thức, ý thức của mỗi người dân, do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về rừng, về chính sách chi trả DVMTR luôn được Quỹ BVPTR tỉnh chú trọng, xem là nhiệm vụ quan trọng trong triển khai kế hoạch hàng năm ở huyện Mường Chà.
Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chính sách chi trả DVMTR đến tận các bản, đã giúp người dân trên địa bàn huyện Mường Chà nhận thức và hành động cụ thể hơn, rừng được bảo vệ tốt hơn. Qua đó môi trường sinh thái được cải thiện, người dân được hưởng tiền DVMTR hàng năm, giúp gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần đưa chính sách chi trả DVMTR đi vào cuộc sống.