Kinh tếMôi trường rừng

Hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Mường Nhé

14:38 - Thứ Hai, 19/12/2022 Lượt xem: 4265 In bài viết

ĐBP - Sau hơn 10 năm triển khai chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân không còn xem việc bảo vệ rừng là của riêng lực lượng bảo vệ rừng như trước kia mà đã gắn trách nhiệm của từng cá nhân, nhóm hộ và cộng đồng.

Người dân xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé chăm sóc rừng. Ảnh: C.T.V

Bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé có 26 hộ dân với gần 100 nhân khẩu, nhận quản lý, bảo vệ hơn 2.700ha rừng. Đây là bản được nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng nhiều nhất không chỉ ở huyện Mường Nhé mà còn nhiều nhất cả tỉnh, với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng được chi trả cho cộng đồng bản trong năm 2021. Nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng không chỉ giúp các tổ tuần tra, bảo vệ rừng hoạt động hiệu quả hơn mà người dân cũng đã nâng cao ý thức trong việc giữ rừng. Bản đã thành lập 2 tổ quản lý bảo vệ rừng, định kỳ mỗi tuần một lần, tổ tuần tra bảo vệ rừng thực hiện tuần tra theo quy định. Anh Lỳ Phú Cà, bản Tả Ló San, xã Sen Thượng cho biết: Chúng tôi thường xuyên kiểm tra trên toàn bộ diện tích rừng bản nhận quản lý, bảo vệ. Không chỉ vận động người dân tuần tra hàng tháng để tránh tình trạng săn bắn, chặt phá rừng, đốt, phá rừng, chúng tôi còn chia tổ đi các điểm, các khu, mỗi tốp 10 người đi tuần tra. Khi phát hiện sự việc, nếu xử lý được thì tiến hành xử lý ngay, còn không sẽ báo cáo kiểm lâm địa bàn giải quyết.

Tại xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, công tác quản lý bảo vệ rừng có sự phối hợp giữa kiểm lâm địa bàn với các ban ngành của xã, xây dựng phương án cụ thể của các cộng đồng bản, cũng như UBND xã. Các lực lượng tiến hành phổ biến cho bà con Luật Lâm nghiệp, các nghị định, thông tư của Chính phủ, mỗi bản 2 lần/năm để bà con hiểu được trách nhiệm, quyền lợi của việc bảo vệ, phát triển rừng. Cùng với đó, thông qua chính sách giao khoán bảo vệ rừng, người dân không còn xem việc bảo vệ rừng là trách nhiệm riêng của lực lượng bảo vệ như trước kia mà đã gắn với trách nhiệm của từng cá nhân, nhóm hộ và cộng đồng. Người dân xem rừng như tài sản của gia đình, cùng bảo vệ, chăm sóc, hưởng lợi từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ông Lò Văn Lâm, Trưởng bản Mường Nhé 2, xã Mường Nhé cho biết: Hiện tại bản chúng tôi đang quản lý bảo vệ 783ha rừng. Bản chia thành 5 tổ tuần tra bảo vệ rừng. Hàng tháng lần lượt các tổ được phân công đi tuần tra một lần. Trong quá trình đó, nếu gặp ai phá rừng, phát xẻ gỗ thì tịch thu máy mang về trạm kiểm lâm địa bàn để xử lý. Cùng với đó, chúng tôi cũng nhắc nhở bà con nếu phá rừng sẽ bị xử lý và phạt. Lần đầu thì có thể nhắc nhở nhưng lần 2 sẽ báo lên cấp trên, giao cho Hạt Kiểm lâm để xử lý.

Xã Sín Thầu có tổng diện tích tự nhiên trên 17.000ha, trong đó khoảng 13.000ha rừng, tỷ lệ che phủ đạt 60%. Để bảo vệ rừng đồng nghĩa với bảo vệ nguồn thu không nhỏ từ tiền dịch vụ môi trường rừng được chi trả, mỗi bản của xã Sín Thầu thành lập từ 2 - 3 tổ bảo vệ rừng. Cùng với đó, UBND xã Sín Thầu tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, quy định của pháp luật, lợi ích của việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng đến với người dân thông qua các buổi họp bản, trên hệ thống loa của bản. Xã tiến hành ký cam kết bảo vệ rừng tới từng hộ dân. Với cách làm này, nhận thức của người dân ngày một nâng cao, các bản đã chủ động đưa công tác phát triển, bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng vào hương ước, quy ước của bản, được người dân hưởng ứng.

Khu rừng được chăm sóc từ tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: C.T.V

Với hơn 53 tỷ đồng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng năm 2021, Mường Nhé là huyện được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng nhiều nhất tỉnh. Trung bình mỗi hộ dân có thu nhập gần 10 triệu đồng/năm. Đặc biệt, tại bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, hộ nhận được số tiền cao nhất lên tới trên 120 triệu đồng/năm. Người dân đã sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng phát triển sinh kế thông qua phát triển kinh tế ngoài rừng, từ đó hạn chế khai thác gỗ và lâm sản phụ, góp phần bảo vệ, phát triển “lá phổi xanh” của thiên nhiên.

Có thể thấy rằng, việc triển khai thực hiện chính sách dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé đã và đang phát huy hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần phát triển rừng trên địa bàn, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rừng tự nhiên bị xâm phạm. Không chỉ vậy, nhờ thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và tăng cường công tác tuần tra, bảo vệ rừng, số vụ vi phạm lâm luật trên địa bàn huyện Mường Nhé đã giảm rõ rệt. Được chăm sóc, bảo vệ cẩn thận, những cánh rừng tại Mường Nhé ngày càng phát triển, nhân lên thêm nhiều mảng màu xanh tốt trên mảnh đất cực Tây Tổ quốc.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top