Kinh tếMôi trường rừng

Sử dụng tiền DVMTR minh bạch, hiệu quả ở bản Nà Tấu 2

10:16 - Thứ Sáu, 10/03/2023 Lượt xem: 2976 In bài viết

ĐBP - “Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) được nhận hàng năm, chỉ có một phần số tiền được trích lại chia đều cho các hộ, còn lại sẽ được dùng làm kinh phí trong công tác phòng cháy chữa cháy, xây dựng các công trình chung của bản và một phần để chi trả dần vào mỗi lần đi tuần tra rừng của người dân” - Đó là cách bản Nà Tấu 2, xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ sử dụng tiền DVMTR một cách công khai, minh bạch, hiệu quả và nhận được sự ủng hộ cao của các hộ dân trong bản.

Người dân bản Nà Tấu 2 phối hợp tuần tra, kiểm soát rừng.

Bản Nà Tấu 2 được giao cùng với bản Nà Tấu 1 quản lý, bảo vệ và hưởng tiền DVMTR trên 700ha rừng. Trước đây, số tiền chi trả DVMTR bản được nhận, ngoài trích lại một phần nhỏ để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR), còn lại sẽ được chia đều cho các hộ dân trong bản. Tuy nhiên, việc chia đều số tiền chi trả hàng năm bình quân theo số hộ của cộng đồng bản không khuyến khích được người dân tham gia quản lý, bảo vệ rừng. Bởi có hộ không tham gia các hoạt động bảo vệ rừng, cũng vẫn được hưởng tiền công như những hộ tham gia bảo vệ, nên đã nảy sinh nhiều bất cập.

Ông Lò Văn Điện, Trưởng bản Nà Tấu 2 cho biết: Diện tích rừng bản được giao quản lý có vị trí giáp ranh với các bản Huổi Un, Huổi Chăn 2 (xã Mường Pồn) và bản Nà Pen (xã Nà Nhạn); nằm trên đầu nguồn của suối Nậm Khẩu Hu, là nơi cung cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân vùng lòng chảo thành phố Điện Biên Phủ.  Đường đi lại để tuần tra, kiểm soát rừng rất khó khăn và xa do mỗi lần đi tuần tra đều phải vòng qua địa bàn của xã Nà Nhạn hoặc xã Mường Pồn. Cùng với đó, trước đây, nhận thức của một số người dân về QLBVR vẫn còn nhiều hạn chế, số hộ tham gia quản lý bảo vệ rừng chủ yếu là cán bộ trong bản. Bởi vậy nhiều người có ý kiến rằng, việc chia đều tiền DVMTR cho tất cả các hộ trong bản là không công bằng.

Từ những bất cập như trên, để công tác quản lý và sử dụng tiền DVMTR được minh bạch, hiệu quả, chi bộ bản Nà Tấu 2 đã họp quán triệt, thống nhất đưa việc xây dựng quy chế quản lý sử dụng tiền DVMTR vào nghị quyết của chi bộ. Trong đó, quy định rõ, từ số tiền DVMTR cộng đồng bản được nhận hàng năm, chỉ có một phần số tiền được trích lại chia đều cho các hộ, còn lại sẽ được dùng làm kinh phí trong công tác phòng cháy chữa cháy, xây dựng các công trình chung của bản và một phần để chi trả dần vào mỗi lần đi tuần tra rừng của người dân. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên của chi bộ làm công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân trong bản thực hiện.

Người dân cùng lực lượng chức năng nghỉ tại chốt tuần tra, kiểm soát do bà con bản Nà Tấu 1, 2 dựng lên.

Ông Lò Văn Điện cho biết thêm: Ban đầu triển khai, bà con nhân dân trong bản phản ứng rất quyết liệt, không ủng hộ theo phương án trên mà đòi chia đều tiền DVMTR như trước đây. Trước tình hình đó, bản Nà Tấu 2 đã báo cáo lên xã Nà Tấu, tiếp đó, xã Nà Tấu đã giao nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ xã cùng với kiểm lâm địa bàn và các đoàn thể xã xuống phối hợp, tuyên truyền và phân tích cho bà con nhân dân hiểu về mục đích và ý nghĩa của tiền DVMTR cũng như việc sử dụng tiền DVMTR công khai, minh bạch, hiệu quả. “Mưa dầm thấm lâu” sau một thời gian tích cực tuyên truyền, cùng với việc kiên quyết lãnh đạo, chỉ đạo việc sử dụng tiền DVMTR tại bản, dần dần bà con nhân dân đã nhận thức được ý nghĩa của việc sử dụng tiền DVMTR và đã nhất trí thông qua quy chế quản lý và sử dụng tiền DVMTR của bản.

Đơn cử như năm 2021, bản Nà tấu 2 được chi trả 160 triệu đồng tiền DVMTR. Từ số tiền trên, bản Nà Tấu 2 đã thống nhất trích 40 triệu đồng chia đều cho các hộ dân trong bản; 30 triệu đồng sử dụng để làm kinh phí xây dựng, tu sửa các công trình chung của bản; 30 triệu đồng dùng để phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy, còn lại 60 triệu đồng để chi trả tiền công cho bà con nhân dân tham gia đi tuần tra, canh gác, quản lý bảo vệ rừng. Việc trích lại phần lớn số tiền để chi trả tiền công cho bà con nhân dân tham gia đi tuần tra, canh gác, QLBVR không chỉ thể hiện sự công bằng trong sử dụng tiền DVMTR mà qua đó, mọi người dân trong bản đều có ý thức, trách nhiệm hơn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng. Ngoài ra, để công bằng hơn cho các hộ dân, bản Nà Tấu 2 đã chia đều các hộ dân trong bản thành 12 nhóm hộ, mỗi nhóm được chia ra thành các tổ nhỏ, mỗi tổ có từ 5 - 6 người, luân phiên nhau đi tuần tra rừng, kiểm soát rừng. Sau mỗi lần hoàn thành nhiệm vụ tuần tra về, mỗi thành viên sẽ được chấm công, lấy đó làm cơ sở để được bản chi trả tiền DVMTR.

Nhờ sử dụng hiệu quả, hợp lý tiền DVMTR nên công tác QLBVR của bản Nà Tấu 2 ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực. Được biết, nhằm tạo điều kiện cho các tổ, đội tuần tra bảo vệ rừng, cuối năm 2022 vừa qua, bản Nà Tấu 2 đã trích một phần kinh phí từ tiền DVMTR, đồng thời huy động hàng chục người dân trong bản cùng với bản Nà Tấu 1 dựng một trạm QLBVR (chốt tuần tra kiểm soát) tại khoảnh 6a, tiểu khu 688. Nơi đây sẽ được sử dụng để làm chỗ nghỉ, tránh mưa, tránh gió cho người dân cũng như lực lượng chức năng mỗi khi đi tuần tra rừng. Với phương châm “lấy rừng nuôi rừng”, chính sách chi trả tiền DVMTR đã và đang làm thay đổi nhận thức của nhân dân bản Nà Tấu 2 trong việc bảo vệ, giữ rừng; góp phần tạo động lực, thúc đẩy các hộ dân trong bản tiếp tục chăm sóc, bảo vệ, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng trên địa bàn.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận

Tin khác

Back To Top