Kinh tếMôi trường rừng

Hiệu quả tuyên truyền chính sách môi trường rừng từ một hội thi

16:54 - Thứ Năm, 29/06/2023 Lượt xem: 2937 In bài viết

ĐBP - “Vừa thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR); đồng thời là cơ hội để các cộng đồng, người dân được chia sẻ lẫn nhau các kiến thức về bảo vệ, chăm sóc và phát triển rừng, những kinh nghiệm trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR tại cộng đồng” - Đó chính là những hiệu quả mang lại thông qua Hội thi “Tìm hiểu Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng” được tổ chức mới đây tại xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ.

Các tiểu phẩm biểu diễn tại hội thi đã tái hiện thực tiễn áp dụng chính sách chi trả DVMTR ở cộng đồng.

Trực tiếp tham gia hội thi là 12 thí sinh đại diện cho các chủ rừng cộng đồng ở 4 bản của xã Mường Phăng, gồm: Che Căn, Co Mận, Phăng 1 và bản Bua. Qua 3 phần thi: chào hỏi, kiến thức và tài năng, các thí sinh được thể hiện những hiểu biết của mình và tìm hiểu thêm các kiến thức về chính sách chi trả DVMTR. Trong đó chủ yếu là các kiến thức về: vai trò của chính sách đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; tác động của chính sách đến đời sống chủ rừng, cộng đồng và người dân tham gia bảo vệ rừng; các mức chi trả, cách quản lý, sử dụng tiền DVMTR; điều kiện thụ hưởng chính sách; trách nhiệm của những người thực thi chính sách…

Là một trong những thí sinh tham gia hội thi, ông Lò Văn Diện, Bí thư Chi bộ bản Phăng 1, xã Mường Phăng chia sẻ: Hội thi giúp chúng tôi hiểu thêm về chính sách chi trả DVMTR và cũng rất có ý nghĩa với chúng tôi trong việc bảo vệ rừng trong những năm tiếp theo. Chúng tôi cũng biết tiền DVMTR dùng cho trường hợp nào và sử dụng nguồn này để phát triển kinh tế và chi sao cho phù hợp với quy định của nhà nước. Chúng tôi sẽ họp dân để lan tỏa kiến thức, giúp dân hiểu được nguồn lợi và trách nhiệm được giao trong bảo vệ rừng, cũng như việc sử dụng tiền DVMTR hiệu quả, đúng mục đích.

Không chỉ có các thí sinh tham gia, hội thi tìm hiểu kiến thức về Chính sách chi trả DVMTR tại xã Mường Phăng lần này đã thu hút hàng trăm người dân đến theo dõi. Bởi vậy, những chia sẻ của ông Diện cũng là một trong những mục tiêu Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và xã Mường Phăng đặt ra cho Hội thi lần này. Người dân nói chung và thí sinh nói riêng được bổ sung kiến thức cũng như kỹ năng trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR, nhất là cách thức quản lý và sử dụng tiền DVMTR trong thực tiễn.

Ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch UBND xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ cho biết: Để việc quản lý tiền DVMTR được hiệu quả, xã đã chỉ đạo các Tổ bảo vệ rừng ở các thôn bản, tổ trưởng tổ tuần tra bảo vệ rừng quản lý quỹ. Hằng năm xã có kiểm tra đánh giá định kỳ xem việc chi tiền DVMTR cho cộng đồng có hiệu quả hay không. Và chính những lợi ích từ việc chi trả tiền DVMTR mang lại, người dân trên địa bàn xã ngày càng có nhận thức tốt về giá trị của chính sách, cũng như thực hiện việc bảo vệ rừng tốt hơn.

Hội thi là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả về chính sách chi trả DVMTR.

Phần thi chứa đựng nhiều kiến thức nhất và cũng là hình thức tuyên truyền bằng sân khấu hóa được thể hiện rõ nhất, thu hút sự chú ý của các đội thi và người dân chính là phần thi tài năng. Tại phần thi này, mỗi đội thi sẽ biểu diễn một tiểu phẩm có nội dung về thực hiện chính sách chi trả DVMTR. Theo đó, nhiều tình huống được các đội thi đưa ra tại các tiểu phẩm đã tái hiện thực tiễn áp dụng ở cộng đồng. Có không ít trường hợp đã đề cập đến việc hiểu sai hoặc hiểu chưa đúng, chưa hết về ý nghĩa, lợi ích của chính sách, hay việc sử dụng sai mục đích nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Từ đó, các đội thi cũng đã khéo léo đưa các chi tiết tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn, điều chỉnh để các hộ dân cũng như cộng đồng khắc phục, sửa sai để việc sử dụng tiền DVMTR được phát huy hiệu quả. Thực tiễn việc này ở Mường Phăng những năm qua cũng cơ bản được phát huy.

Ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát riển rừng tỉnh Điện Biên cho biết: Hội thi không chỉ là dịp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Luật Lâm nghiệp, về lợi ích và tầm quan trọng của rừng, từ đó nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ tài nguyên rừng và thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về DVMTR ở địa phương. Mà hơn hết, qua thực tế tổ chức hội thi cho thấy, mô hình sân khấu hóa là một trong những hình thức tuyên truyền hiệu quả về chính sách chi trả DVMTR tới các chủ rừng. Bởi với hình thức thi như trên thì các chủ rừng sẽ phải nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị kịch bản, nội dung thi, tự xây dựng, tự tập mà nếu tổ chức thường xuyên thì kiến thức lan tỏa hơn nhiều. Trong thời gian tới, quỹ xây dựng kế hoạch để triển khai trên địa bàn các huyện.

Cùng với việc chi trả đúng, đủ, kịp thời tiền DVMTR, hằng năm, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh cũng đã thực hiện những việc làm cụ thể để trang bị kiến thức về quản lý, sử dụng tiền DVMTR cho các chủ rừng, mà hội thi trên là một trong những hình thức tuyên truyền được đánh giá là hiệu quả. Hy vọng rằng, thời gian tới, sẽ có thêm nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức những hội thi như trên, để từ đó, nhằm góp phần thay đổi hình thức và nâng cao chất lượng nội dung, hiệu quả của việc tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top