Kinh tếMôi trường rừng

Lợi ích kép chính sách dịch vụ môi trường rừng ở Sín Thầu

10:15 - Thứ Hai, 10/07/2023 Lượt xem: 3077 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, nguồn tiền từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã đem lại lợi ích kép cho người dân xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) nói riêng và nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh nói chung. Việc sử dụng đúng mục đích và chi tiêu hợp lý nguồn tiền này đã góp phần quan trọng để người dân xã Sín Thầu thực hiện nhiều cách làm hay, mô hình kinh tế hiệu quả cho thu nhập ổn định. Khi cuộc sống của bà con ổn định sẽ hạn chế các hành vi xâm hại rừng và giữ gìn sự đa dạng, phong phú của hệ sinh thái tự nhiên.

Nhờ có tiền DVMTR, ông Sùng Sinh Phạ, bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu) có thêm điều kiện kiên cố chuồng trại, đầu tư phát triển đàn bò của gia đình.

Cuối năm 2022, gia đình ông Mạ Duy Công, bản A Pa Chải (xã Sín Thầu) đã dành dụm đủ tiền để dựng ngôi nhà mới. Do đời sống phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp nên để làm được ngôi nhà khang trang là việc không dễ dàng với gia đình ông Công. Vậy nên, ngoài việc huy động kinh phí từ nhiều nguồn khác nhau thì tiền DVMTR hàng năm gia đình ông đều tích cóp, tiết kiệm dành để làm nhà. Ông Công chia sẻ: “Nếu không có tiền DVMTR, để làm được một ngôi nhà đàng hoàng, chúng tôi phải làm việc rất vất vả. Bởi vì gia đình không có nguồn thu ổn định nên mỗi năm sau khi nhận được tiền DVMTR đều để dành, góp vào dựng nhà. Nguồn tiền DVMTR dù không quá lớn nhưng giúp ích rất nhiều cho các nhu cầu trong đời sống như phát triển chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất, phục vụ cuộc sống gia đình”.

Được chi trả DVMTR, các hộ dân ở Sín Thầu mua sắm dụng cụ, phương tiện phục vụ sản xuất, nâng cao hiệu quả canh tác. Hiện nay, ở xã Sín Thầu có trên 90% hộ dân có máy cày bừa, máy phay, máy tuốt lúa và trên 50% hộ dân có máy xay xát. Người dân Sín Thầu mua sắm phương tiện, thiết bị và máy sản xuất đều nhờ vào nguồn tiền DVMTR.

Được hưởng tiền DVMTR hàng năm, gia đình ông Sùng Sinh Phạ, bản Tả Kố Khừ (xã Sín Thầu) thấy được ý nghĩa quan trọng của việc giữ rừng. Ông Phạ chia sẻ: “Hàng năm, gia đình tôi được hưởng tiền chi trả DVMTR khoảng 20 triệu đồng. Chúng tôi dùng tiền đó mua trâu, bò phát triển kinh tế; mua máy móc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp giúp cho mình làm đỡ vất vả hơn. Chính vì vậy, gia đình cũng như người dân trong xã đều ý thức được cần phải giữ rừng thật tốt, có như vậy mới được hưởng tiền DVMTR hàng năm, từ đó có điều kiện mua sắm đồ đạc, thiết bị, phục vụ cuộc sống của mình”.

Nhiều gia đình trên địa bàn xã Sín Thầu mua máy móc phục vụ sản xuất từ tiền DVMTR.

Cùng với các gia đình khác trong xã, gia đình ông Pờ Pó Lòng ở bản A Pa Chải dành tiền DVMTR nhận được trong năm đầu tư kiên cố hóa chuồng trại, vừa nhằm bảo vệ môi trường, vừa giúp gia đình thuận lợi hơn trong việc chăm sóc vật nuôi hạn chế dịch bệnh.

Theo thống kê, hàng năm, trung bình mỗi hộ dân trên địa bàn xã Sín Thầu được hưởng từ 15 - 30 triệu đồng tiền DVMTR. Số tiền được hưởng không quá lớn nhưng góp phần giảm bớt nỗi lo chi phí cho các gia đình, nhất là với gia đình nghèo hoặc các hộ có nhiều con trong độ tuổi đi học, người ốm đau. Người dân xã Sín Thầu sống phụ thuộc vào nông nghiệp, tiền DVMTR là nguồn kinh phí đầu tư mua sắm phương tiện máy móc, dụng cụ lao động, vật tư nông nghiệp hay các loại cây, con giống phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để tăng thu nhập. Cũng nhờ có nguồn tiền DVMTR mà nhiều hộ đã có thêm điều kiện cho con em ăn học và có nghề nghiệp ổn định. Ông Mạ Xào Hòa, Trưởng bản Tả Kố Khừ cho biết: “Việc chăm lo cho con cháu ăn học cũng phụ thuộc vào khoản tiền được hưởng từ chính sách chi trả DVMTR. Nhờ có tiền DVMTR mà nhiều cháu được ăn học đến nơi, đến chốn. Vì lẽ đó, trong bản, thậm chí cả xã ngày càng nhiều con em theo học tại các trường chuyên nghiệp. Từ đó các em có thể có công việc ổn định và thoát ly trong tương lai là điều kiện giúp cho quê hương biên giới Sín Thầu phát triển hơn”.

Từ thực tế hiệu quả sử dụng tiền DVMTR ở xã Sín Thầu phần nào minh chứng thêm về lợi ích kép từ chính sách chi trả DVMTR. Bởi khi bà con sử dụng hiệu quả nguồn tiền DVMTR, đồng nghĩa với việc họ đã ý thức được việc chăm lo phát triển kinh tế, phục vụ cuộc sống của mình ngày một tốt hơn. Cuộc sống ổn định, ý thức về việc giữ rừng nâng cao là những điều kiện quan trọng để giảm các hoạt động khai thác lâm sản; hạn chế những tác động xấu đến rừng, góp phần bảo vệ toàn vẹn những cánh rừng và hệ sinh thái.

Bài, ảnh: Quang Hưng
Bình luận

Tin khác

Back To Top