ĐBP - Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) vào năm 2018, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) tiếp tục nỗ lực củng cố, nâng chuẩn các tiêu chí; đồng thời triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng xã NTM nâng cao, tiến tới xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Được chọn là xã điểm trong xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, Ban Chấp hành Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM, UBND xã xây dựng kế hoạch hành động tổ chức thực hiện các mục tiêu Nghị quyết đề ra. Xã Thanh Hưng đã xác định thực hiện các công việc theo thứ tự ưu tiên với giải pháp cụ thể. Trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân triển khai; tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm phát huy lợi thế của các thôn, bản trên địa bàn xã. Tập trung dồn lực cho các tiêu chí, chỉ tiêu sắp đạt, khó đạt; tận dụng mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình đến từng hộ nông dân nhằm phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tuy nhiên dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động rất lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân. Nhiều lao động mất việc làm, sản phẩm nông nghiệp không tiêu thụ được, thu nhập giảm; nguồn lực xây dựng NTM nâng cao hạn chế. Theo quy định, để đạt chuẩn NTM nâng cao thì xã phải hoàn thành 34 chỉ tiêu của 16 tiêu chí theo Quyết định 330/QĐ-UBND ngày 18/4/2019 của UBND tỉnh về ban hành Bộ tiêu chí “Xã đạt chuẩn NTM nâng cao”. Những tiêu chí này cơ bản là sự nâng cao 19 tiêu chí NTM đã đạt. Tính đến hết năm 2021, xã Thanh Hưng mới đạt 27/34 chỉ tiêu và 12/16 tiêu chí NTM nâng cao. Các tiêu chí chưa đạt gồm: Giao thông (đạt 2/4 chỉ tiêu); thủy lợi (đạt 2/3 chỉ tiêu); tổ chức sản xuất (đạt 1/2 chỉ tiêu) và tiêu chí cảnh quan môi trường (đạt 2/5 chỉ tiêu).
Ông Lường Văn Tọ, Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: Trong quá trình xây dựng NTM nâng cao xã còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là vốn đầu tư xây dựng các chương trình, dự án để đạt chuẩn theo tiêu chí còn ít so với yêu cầu thực tế. Năm 2021, tổng kinh phí huy động thực hiện NTM trên địa bàn xã chỉ đạt 4,5 tỷ đồng, thực hiện nâng cấp tuyến đường trung tâm xã, bê tông hóa tuyến kênh khu dồn điền đổi thửa. Hiện nay một số tuyến đường trục xã không có kinh phí duy tu bảo dưỡng đã bị bong tróc, xuống cấp cần sửa chữa, nâng cấp; nhiều tuyến đường chưa đảm bảo sáng, xanh, sạch, đẹp; chưa có hệ thống thoát nước hai bên, chưa có đèn chiếu sáng. Trong chăn nuôi, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, do tác động của thiên tai, dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt là dịch bệnh Covid-19 khiến sản xuất bị đình trệ, sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ, lao động không có việc làm, ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân.
Năm 2021, xã Thanh Hưng “trễ hẹn” đạt NTM nâng cao do nhiều yếu tố tác động. Tuy nhiên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hưng vẫn luôn xác định xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu là một nhiệm vụ lâu dài. Quan điểm của xã là đạt được tiêu chí nào phải chắc chắn tiêu chí đó. Chính vì thế, trong thời gian tới xã tập trung rà soát cụ thể từng tiêu chí chưa đạt hoặc đạt thấp để có giải pháp củng cố, nâng cao. Tranh thủ huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, phát huy và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, lấy mục tiêu nâng cao thu nhập cho người dân làm nòng cốt.