Kinh tếNông thôn mới

Khó thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Tủa Chùa

05:47 - Thứ Hai, 30/05/2022 Lượt xem: 8366 In bài viết

ĐBP - Mặc dù đã tập trung nhiều giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Tủa Chùa vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn tiêu chí số 17 về môi trường. Đây là nhiệm vụ còn nhiều khó khăn đối với huyện vùng cao này.

Người dân thị trấn Tủa Chùa tham gia vệ sinh đường ngõ xóm.

Hiện nay huyện Tủa Chùa có 1 xã đạt cao nhất là Mường Báng với 5/8 yêu cầu của tiêu chí số 17; xã Mường Đun đạt 4/8; xã Xá Nhè đạt 3/8; còn 8/11 xã mới đạt 1 yêu cầu trong tiêu chí số 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng nông thôn mới. Đến nay, tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh toàn huyện đạt 78,5% và 34,5% hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; các chỉ tiêu khác về môi trường đều ở mức độ thấp không đạt yêu cầu so với tiêu chí đề ra. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn, nhất là ở các bản vùng cao, vùng sâu còn chưa thực hiện được, chủ yếu mới dừng lại ở hộ gia đình tự thu gom, chôn lấp, đốt thủ công hoặc thải ra môi trường. Cùng với đó, tập quán chăn nuôi của một bộ phận dân cư, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số còn lạc hậu, không xây chuồng trại hợp vệ sinh, nếu có thì chỉ che chắn tạm bợ, ban ngày thì thả rông gia súc; một số địa bàn người dân vẫn nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn gây ô nhiễm môi trường… Hệ thống thoát và xử lý nước thải chưa được đầu tư; nước thải sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất tiểu thủ công nghiệp cơ bản đều thải trực tiếp ra môi trường...

Bà Hoàng Thị Toàn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tủa Chùa cho biết: Khó khăn nhất trong công tác bảo vệ môi trường cũng như để hoàn thành tiêu chí số 17 trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn huyện hiện nay là đảm bảo chất thải rắn và nước thải khu dân cư tập trung được thu gom, xử lý theo quy định. Tỉ lệ đạt các tiêu chí thành phần của tiêu chí này rất thấp và nhiều nơi không thực hiện được. Nguyên nhân do tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 95% dân số, dân cư phần lớn sống thưa thớt, đời sống còn khó khăn, trình độ dân trí hạn chế, giao thông đi lại chưa thuận lợi. Do đó việc tham gia bảo vệ môi trường nói chung và thực hiện tiêu trí về môi trường trong xây dựng NTM nói riêng còn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Nhằm từng bước khắc phục những khó khăn nêu trên, phấn đấu hoàn thiện các chỉ tiêu thuộc tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM, huyện Tủa Chùa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa và tầm quan trọng của vệ sinh môi trường đối với cuộc sống cộng đồng. Các hoạt động nâng cao nhận thức về môi trường được quan tâm triển khai thực hiện, phát động như: “Ngày môi trường thế giới”, “Ngày nước thế giới”, “Tuần lễ quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường”. Đồng thời, UBND huyện Tủa Chùa phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia bảo vệ môi trường; sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên; đưa việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường trở thành nội dung thực hiện nếp sống văn hoá ở các địa phương, cơ quan, đơn vị; tăng cường sự giám sát của cộng đồng đối với hoạt động bảo vệ môi trường. Tăng cường kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo vệ môi trường ở các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị và doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn. Năm 2022, huyện Tủa Chùa phấn đấu 3 xã: Mường Đun, Xá Nhè, Tủa Thàng cơ bản đạt 4/8 yêu cầu trong tiêu chí số 17 trong xây dựng NTM. Riêng xã Mường Báng phấn đấu đến cuối năm 2022 đạt 100% yêu cầu trong tiêu chí số 17 để đạt chuẩn NTM tất cả các tiêu chí.

Ông Vừ A Chông, Chủ tịch UBND xã Mường Báng cho biết: Tiêu chí số 17 về môi trường là tiêu chí quan trọng và khó thực hiện trong chương trình xây dựng NTM. Trong đó ý thức của người dân là yếu tố quan trọng hơn cả. Vì vậy, xã chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường. Đến nay, 70% số hộ gia đình trên địa bàn xã có công trình nhà tiêu hợp vệ sinh; rác thải được thực hiện thu gom tập trung ở các thôn, bản vùng thấp; các thôn, bản vùng cao có lò đốt rác di động; các tổ chức chính trị tại cơ sở thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên tham gia quét dọn vệ sinh đường thôn, bản.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top