Kinh tếNông thôn mới

Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

Nông thôn mới… đã mới? (bài 2)

15:55 - Thứ Sáu, 30/09/2022 Lượt xem: 6278 In bài viết

Bài 2: Xứng danh hiệu “nông thôn mới”?

Năm 2020, xã Sín Thầu đã đạt 18/19 tiêu chí theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM. Tại lễ công bố xã đạt chuẩn NTM (ngày 5/1/2022), lãnh đạo xã Sín Thầu bày tỏ vui mừng, phấn khởi về những kết quả đạt được. Thế nhưng, kết quả đạt được đã thực sự xứng với danh hiệu xã NTM hay chưa còn phụ thuộc vào đánh giá, nhận xét của người dân. Bởi đích cuối cùng hướng đến trong xây dựng NTM là nâng cao chất lượng đời sống người dân, xóa đói giảm nghèo, chứ không phải danh hiệu xã đạt chuẩn NTM. Thực tế, một bộ phận người dân ở xã NTM Sín Thầu vẫn còn rất vất vả chuyện cơm áo, thậm chí bế tắc sinh kế.

Bài 1: Đặt niềm tin vào nông thôn mới

Hạ tầng cơ sở, giao thông trên địa bàn Sín Thầu ngày càng được đầu tư, tuy nhiên tỷ lệ hộ nghèo người dân vẫn còn cao. Trong ảnh: Một góc bản A Pa Chải.

Nếu nhìn vào bề ngoài, dễ dàng nhận thấy những mặt tích cực, đổi thay trong xây dựng NTM trên địa bàn xã Sín Thầu. Đó là kết cấu hạ tầng nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang, sạch đẹp, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay. Cùng với đó, tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa đạt 100%, đường trục thôn bản bê tông hóa đạt 85%; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn điện đạt 100%. Xã không còn hộ gia đình ở trong nhà tạm, nhà dột nát, trong đó 85% số hộ có nhà đạt chuẩn; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 90%; tỷ lệ nhà văn hóa các thôn bản đạt 100%... Kết quả này là nền tảng vững chắc để Đảng bộ, chính quyền xã Sín Thầu tiếp tục vận động người dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và giảm nghèo bền vững.

Bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã Sín Thầu cho biết: Những kết quả của quá trình xây dựng NTM đã thúc đẩy kinh tế - xã hội của Sín Thầu phát triển vượt bậc, dịch vụ thương mại có xu hướng tăng. Hệ thống chính trị được quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả quản lý của chính quyền địa phương. Các đề án phát triển sản xuất được triển khai theo hướng sản xuất hàng hóa, từng bước gắn sản xuất với bao tiêu sản phẩm. Các tiêu chí về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường được tập trung thực hiện; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân được chú trọng; các hoạt động văn hóa, văn nghệ luôn được quan tâm, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân..

Nếu chỉ nhìn vào những con số thống kê ở trên và đánh giá của lãnh đạo xã Sín Thầu thì kết quả xây dựng NTM ở Sín Thầu chưa thật sự toàn diện. Xét bình diện chung trong xây dựng NTM, Sín Thầu cũng như các địa phương đã “đua nhau” cứng hoá công trình, cơ sở hạ tầng, trong khi đó vấn đề cốt lõi là xây dựng mô hình sinh kế hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân dường như chưa được chú trọng, hoặc có quan tâm nhưng gặp khó khăn, bế tắc trong tìm kiếm giải pháp đầu ra sản phẩm. Cùng với đó, sản xuất vẫn mang tính nhỏ lẻ, manh mún; các giải pháp đảm bảo tính ổn định, phát triển bền vững, lâu dài còn hạn chế, thậm chí chưa có. Hầu hết giải pháp triển khai, các mô hình sinh kế đều chưa tìm ra lối đi riêng trong sản xuất, vì thế cuộc sống người dân vẫn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo vẫn chiếm 21,47%.

Mô hình trồng cây sa nhân dưới tán rừng và phát triển chăn nuôi gia súc là những mô hình, hướng đi được xã Sín Thầu kỳ vọng, xác định là trọng tâm trong công tác xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững trong những năm qua. Tuy nhiên, cũng như những địa phương khác, các mô hình chủ yếu phát triển tự phát, manh mún, hiệu quả không cao. Cụ thể, hiện nay toàn xã có 132ha trồng sa nhân. Cũng như các loại cây trồng khác, cây sa nhân chưa có sự liên kết, tiêu thụ sản phẩm nên đầu ra phụ thuộc vào thương lái. Trong khi đó, những năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc giao thương với đối tác phía Trung Quốc - thị trường tiêu thụ chính của quả sa nhân bị gián đoạn, giá bán liên tục xuống thấp khiến người trồng loại dược liệu này gặp nhiều khó khăn. Nếu như trước đây, quả sa nhân tím được tư thương thu mua với giá cao, trung bình từ 50 - 70 nghìn đồng/kg quả tươi, thậm chí có những năm giá quả sa nhân khô lên đến 800 nghìn đồng/kg, thì hiện nay giá giảm xuống chỉ còn 14 nghìn đồng/kg quả tươi. Vì vậy, nhiều người trồng sa nhân nhưng không thu hoạch vì tiền bán không đủ tiền công, chi phí.

Mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc là hướng xóa đói giảm nghèo của người dân xã Sín Thầu, nhưng gặp khó khăn đầu ra sản phẩm.

Khó tiêu thụ sản phẩm, giá cả bấp bênh cũng là tình trạng xảy ra đối với mô hình phát triển chăn nuôi đại gia súc trên địa bàn xã. Do chăn nuôi chủ yếu theo hình thức nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, thả rông và bán chăn thả gây khó khăn trong việc kiểm soát, phòng bệnh cho đàn gia súc. Dù đẩy mạnh các giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc từ năm 2017 nhưng đến nay toàn xã chỉ có gần 1.000 con trâu, bò, với 6 mô hình chăn nuôi gia súc. Công tác thông tin, dự báo thị trường giá sản phẩm trâu, bò giống; trâu, bò thương phẩm, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt còn hạn chế đã ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất, thu nhập người chăn nuôi. Xã cũng chưa xây dựng được chuỗi sản xuất theo nhóm sản phẩm thịt trâu, bò từ sản xuất, liên kết sản xuất của các hộ, trang trại đến tiêu thụ sản phẩm nên giá trị kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò chưa tương xứng với tiềm năng.

Ông Mạ Sàn Hoa, Trưởng bản Tá Kố Khừ, xã Sín Thầu chia sẻ: Cả bản có 135 hộ. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, bản được đầu tư cơ sở hạ tầng, các tuyến đường trong bản được cứng hóa, sạch sẽ; tình hình an ninh trật tự trong bản ổn định, người dân sống đoàn kết, hòa thuận, sẻ chia giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, thực tế đời sống người dân vẫn còn rất khó khăn. Thu nhập người dân trong bản chủ yếu dựa vào gần 50ha lúa và chăn nuôi. Thực chất, người dân chưa thay đổi tư duy sản xuất, vẫn là tập quán sản xuất cũ, manh mún, thiếu tính hàng hóa. Cây trồng trên ruộng vẫn là lúa, ngô, thu nhập của người nông dân không cao hơn trước. Thậm chí, tình trạng phân bón kém chất lượng, thuốc trừ sâu giả vẫn bán tràn lan khiến người nông dân thua lỗ khi đầu tư sản xuất.

Lý do được chính quyền địa phương cho rằng, đời sống người dân chưa thay đổi nhiều so với trước đây là trong xây dựng NTM, nhất là với xã vùng cao, biên giới như Sín Thầu, thì một trong những tiêu chí khó khăn nhất đó là tiêu chí hộ nghèo. Mặc dù cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung triển khai nhiều giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên là xã thuần nông, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đòi hỏi phải có thời gian chứ không thể một sớm một chiều là có kết quả ngay được. Hơn nữa, người dân còn bị động trong tiêu thụ nông sản, nên không dám chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Toàn xã có 2 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, tuy nhiên việc sản xuất trên địa bàn chủ yếu tự cung, tự cấp, chưa hình thành vùng hàng hóa sản phẩm, do đó chưa có sản phẩm để xây dựng các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.

Vì vậy, nhiều năm qua, tiêu chí thu nhập, nâng cao đời sống người dân vẫn là “điểm nghẽn” trong quá trình xây dựng NTM ở Sín Thầu. Và đây là một trong những nguyên nhân khiến tiến độ về đích NTM của xã phải lùi lại sau nhiều lần dự kiến đạt chuẩn. Thời gian tới, áp dụng tiêu chí nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã chắc chắn sẽ tăng cao hơn. Nếu địa phương không có giải pháp khắc phục thì tiêu chí này vẫn còn nợ kéo dài; và đặc biệt mục tiêu quan trọng nhất trong chương trình xây dựng NTM là xóa đói, giảm nghèo vẫn chưa thực hiện được; đời sống người dân chưa thực sự đổi thay.

Bài 3: Nông thôn mới không phải của cán bộ

Bài, ảnh: Phong Vân – Quyết Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top