Bài dự thi Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng
Bài 4: Để người dân thực sự hài lòng
ĐBP - Quá trình xây dựng NTM trên địa bàn xã Sín Thầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng để lại những tồn tại, hạn chế, dẫn đến đời sống người dân bị ảnh hưởng, nhiều người chưa hài lòng. Một trong những nguyên nhân là do khâu khảo sát, lấy ý kiến đánh giá của người dân trong quá trình thực hiện chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đối với những nội dung liên quan trực tiếp đến đời sống, thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Vì vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, để giữ vững, nâng cao chất lượng tiêu chí xây dựng NTM và hướng đến xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, xã Sín Thầu đề ra các giải pháp, khắc phục hạn chế nêu trên, hướng tới sự hài lòng của người dân.
Bài 1: Đặt niềm tin vào nông thôn mới
Thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã Sín Thầu từ khi triển khai đến lúc được công nhận đạt chuẩn NTM, mặc dù xã đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là người dân, nhưng vai trò, tiếng nói của người dân chưa thực sự được phát huy tối đa, hiệu quả. Đơn cử, trong việc thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông, đến nay toàn xã Sín Thầu đã được đầu tư nhựa hóa, bê tông hóa 100% đường xã, đường từ trung tâm xã đến đường huyện; tỷ lệ đường trục thôn, bản và đường liên thôn, bản được đầu tư cứng hóa 36,12km… tỷ lệ người dân được tham gia ý kiến rất thấp; thậm chí nhiều người không biết, chỉ đến khi thi công, xây dựng mới biết.
Hay trong công tác quy hoạch đồ án xây dựng NTM xã Sín Thầu được lập, phê duyệt tại quyết định 3509/QĐ-UBND ngày 9/12/2013 của UBND huyện Mường Nhé. Theo kết quả đạt được do UBND xã Sín Thầu báo cáo, thì quy hoạch được lập, duyệt đảm bảo quy định; quy hoạch chung phù hợp, đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị; phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có trên địa bàn xã; đảm bảo quy hoạch sản xuất gắn với tái cơ cấu nông nghiệp cấp huyện, vùng và tỉnh. Thế nhưng, nếu vậy đã không xảy ra tình trạng sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi trên địa bàn xã manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến hiệu quả sản xuất, canh tác không có quy mô, quy hoạch từng vùng, các loại cây trồng; trong chăn nuôi không có khu tập trung dẫn đến chất lượng, hiệu quả kinh tế không cao.
Việc lấy ý kiến nhân dân cũng là một kênh thông tin để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất và phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thể hiện được ý chí nguyện vọng và sự tham gia giám sát của người dân trong xây dựng NTM. Bởi theo Quyết định số 2540/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy định điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận và công bố địa phương đạt chuẩn NTM, địa phương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, khâu tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải được tiến hành trước khi hoàn thiện hồ sơ. Cụ thể, đối với cấp xã, danh sách các địa phương đề nghị xét công nhận “về đích” phải được công bố ít nhất 3 lần trên các phương tiện phát thanh, truyền hình (nếu có) và trang thông tin điện tử của huyện để lấy ý kiến nhân dân. Đồng thời Mặt trận Tổ quốc cấp huyện sẽ chủ trì, tiến hành lấy ý kiến về sự hài lòng của người dân trên địa bàn xã đối với việc đề nghị công nhận xã NTM.
Thực tế, ý kiến của người dân luôn khách quan khi đánh giá thành quả xây dựng NTM, bởi họ là những người trực tiếp tham gia và thụ hưởng. Nói cách khác, mức độ hài lòng của người dân phản ánh sinh động kết quả xây dựng NTM trên địa bàn. Bởi vậy, việc quan tâm tới mức độ hài lòng của người dân không chỉ dừng lại ở một bước thủ tục theo quy định, mà phải luôn được đặt lên hàng đầu trong suốt quá trình xây dựng NTM. Và để tỷ lệ người dân hài lòng về NTM không chỉ là con số quy định trên văn bản, các cấp, các ngành, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền làm chủ của người dân cũng như quy trình lấy ý kiến trong nhân dân.
Bên cạnh đó, để người dân thật sự hài lòng với kết quả xây dựng NTM, xã Sín Thầu xác định sớm giải quyết các vấn đề cấp thiết nhất, tác động đến đời sống người dân, nhất là xóa đói giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập. Theo đó, để giảm tỷ lệ hộ nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Sín Thầu tiếp tục chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện thực hiện các mô hình trong sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển sản xuất, ngành nghề thủ công truyền thống nhằm phát huy lợi thế của từng bản trên địa bàn xã. Cùng với đó, tập trung rà soát, đánh giá nguyên nhân để triển khai giải pháp hỗ trợ hộ nghèo về vốn, giống cây trồng, vật nuôi, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Trong đó, chú trọng thực hiện phát triển chăn nuôi tập trung, nhốt chuồng và trồng cỏ làm thức ăn theo Nghị quyết của Huyện ủy Mường Nhé về phát triển chăn nuôi. Đây là một trong những giải pháp để phát triển chăn nuôi bền vững, khắc phục tình trạng manh mún, nhỏ lẻ mà trước đây xã chưa thực hiện được. Hiện nay, toàn xã đã thành lập được 6 mô hình phát triển chăn nuôi tập trung. Qua đánh giá, bước đầu mô hình đang phát huy hiệu quả và được người dân đánh giá cao, phù hợp thực tế địa phương.
Theo bà Pờ Mỳ Lế, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu, thời gian tới xã tiếp tục xác định xây dựng NTM để đời sống vật chất - tinh thần của người dân được nâng lên; không xây dựng nông thôn mới bằng mọi cách mà phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của nhân dân; người dân tham gia trong xây dựng kế hoạch, trực tiếp thực hiện, giám sát việc thực hiện xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn. Nhân dân là chủ thể chính của xây dựng nông thôn mới; việc huy động, mức huy động sự đóng góp của người dân phải được sự đồng thuận của nhân dân. Trong quá trình thực hiện cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết rõ ràng tới từng tổ chức, cá nhân, người dân. Cùng với đó, bên cạnh việc huy động cả hệ thống chính trị, và nhân dân vào cuộc cần đặc biệt chú trọng đến vai trò, tiếng nói của người dân trong quá trình triển khai thực hiện, nhất là đối với các chương trình sinh kế, xóa đói giảm nghèo. Qua đó, để các tổ chức, cá nhân người dân nhận thức rõ và thấy được ý nghĩa, tầm quan trọng của chương trình, với chủ thể thực hiện phải chính là từng người dân trong quá trình thực hiện sẽ đảm bảo thành công và đạt hiệu quả cao.
Cùng với đó, xã thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, những sáng kiến, kinh nghiệm hay về xây dựng NTM của các xã trong và ngoài huyện trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng. Phát huy thực hiện tốt pháp lệnh dân chủ cơ sở, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những lệch lạc, tạo niềm tin cho cán bộ, đảng viên và người dân trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, để giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được, xã đề nghị UBND huyện Mường Nhé kiến nghị, xem xét cho xã tiếp tục được hưởng các cơ chế, chính sách trong xây dựng NTM, bởi Sín Thầu mặc dù đã đạt chuẩn NTM nhưng đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Song ngoài các cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh trên cơ sở nguồn ngân sách, trên cơ sở kiến thức của các nhà khoa học UBND xã có các cơ chế hỗ trợ thêm về hướng dẫn các quy trình sản xuất, chăn nuôi, định hướng phát triển nghề cho người dân để tăng thu nhập như: Hỗ trợ bò cái sinh sản, hỗ trợ máy phát cỏ, hỗ trợ cây sa nhân, cây ăn quả.
Hiện nay xã Sín Thầu đang trong quá trình hoàn thiện tiêu chí, hướng đến xây dựng NTM nâng cao, vì vậy việc gần dân, hiểu dân, lắng nghe dân, dựa vào dân để xây dựng NTM và xây dựng NTM vì dân là điều mà mỗi cán bộ, cấp ủy, chính quyền địa phương cần quán triệt trong suốt quá trình thực thi nhiệm vụ. Mỗi người dân là chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng NTM; cũng là chủ thể thụ hưởng thành quả từ chương trình này mang lại. Do đó, chỉ khi người dân tin tưởng, ủng hộ, cùng vào cuộc và hài lòng thì NTM mới thực sự thành công.