Kinh tếNông thôn mới

Các tổ chức đoàn thể tham gia xây dựng nông thôn mới

07:23 - Thứ Hai, 03/10/2022 Lượt xem: 6849 In bài viết

ĐBP- Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới (NTM), các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội có vai trò đặc biệt quan trọng. Họ không chỉ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên chung tay xây dựng NTM mà còn trực tiếp góp công, góp sức vào phong trào này. Đến nay, toàn tỉnh đã có 44 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến hết năm 2025 có 40% số xã đạt chuẩn NTM (trong đó, 10% đạt chuẩn xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu); 50% số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM...

Rác thải của bản Mường Nhé Mới, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) được phân loại và đưa đến điểm tập kết trước khi bán cho đơn vị thu mua.

Đến bản Phiêng Kham, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) hôm nay, không khó để cảm nhận được không khí trong lành, môi trường xanh, sạch, đẹp. Khắp các ngõ bản đều không có rác thải... Có được kết quả đó, là nhờ sự chung tay góp sức của hội viên phụ nữ bản Phiêng Kham, trên tinh thần chủ trương phát động của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Mường Nhé. Chị Phạm Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện cho biết: Xuất phát từ các phong trào thi đua yêu nước cũng như hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; tháng 4/2022, Hội đã thí điểm mô hình “Thu gom, phân loại rác thải tái chế” tại bản Nà Pán, Phiêng Kham. Trong quá trình triển khai mô hình, các cấp hội phụ nữ tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ chủ động phân loại rác thải sinh hoạt của gia đình. Với những rác thải có thể tái chế (vỏ lon bia, chai, hộp nhựa, bìa các tông...), Hội động viên các gia đình tập kết tại nhà, sau thời gian 15 ngày hoặc 1 tháng, cán bộ Hội LHPN xã và chi hội phụ nữ bản sẽ tiến hành thu gom và bán cho đại lý thu mua. Việc triển khai mô hình này không chỉ góp phần nâng cao ý thức của cán bộ, hội viên trong bảo vệ môi trường mà còn với mục đích nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ hội viên những lúc hiếu hỉ hoặc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Là một trong những hội viên năng nổ, tích cực hưởng ứng tham gia mô hình từ những ngày đầu triển khai, chị Mào Thị Đoan, hội viên Chi hội Phụ nữ bản Phiêng Kham phấn khởi: “Từ khi các cấp hội triển khai mô hình, chúng tôi cũng thấy được trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ môi trường. Hàng tháng, chúng tôi cùng nhau dọn dẹp vệ sinh khu dân cư, bởi vậy, đường làng, ngõ xóm lúc nào cũng sạch đẹp”.

Với những hiệu quả bước đầu của mô hình, hiện nay, Hội LHPN huyện Mường Nhé không những tiếp tục duy trì mà còn đang nhân rộng mô hình, đồng thời phấn đấu đến hết năm 2022, toàn huyện có 11/11 cơ sở hội xây dựng và thực hiện mô hình; 45/114 chi/tổ, hội hưởng ứng mô hình với 100% hội viên, phụ nữ tham gia.

Chung tay xây dựng NTM, đô thị văn minh, thời gian qua, các cấp hội nông dân trong tỉnh cũng đã có nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả. Đặc biệt, với đặc thù của tỉnh miền núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, do đó, hàng năm, hội nông dân các cấp không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền cho hội viên, nông dân hiểu được ý nghĩa, vai trò của việc xây dựng NTM mà còn vận động xã hội, huy động mọi nguồn lực tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân. Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo mọi điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất nâng cao đời sống. Qua nguồn vốn vay, nhiều nông dân đã dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vượt qua khó khăn, tự lực vươn lên làm giàu chính đáng.

Thống kê của Hội Nông dân tỉnh, hàng năm toàn tỉnh có trên 1.000 hộ nông dân thoát nghèo và hàng trăm hộ trở thành hộ khá, giàu... Không những thế, nhiều nông dân điển hình tiêu biểu trong phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi đã được Trung ương Hội tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc; từ đó, góp phần thiết thực xây dựng NTM, đô thị văn minh do các cấp, ngành phát phát động.

Cũng như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, những năm qua, các tổ chức hội, đoàn thể, như: Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Liên đoàn Lao động… đã nỗ lực, phát huy vai trò đầu tàu, gương mẫu, vận động đoàn viên, hội viên hưởng ứng phong trào xây dựng NTM bằng nhiều mô hình thiết thực, cụ thể. Điển hình như Tỉnh đoàn hỗ trợ sửa chữa trên 114km, làm mới 1,2km đường giao thông nông thôn; thắp sáng hơn 20km đường giao thông nông thôn; Hội Cựu Thanh niên xung phong vận động cán bộ hội viên xây dựng quỹ nghĩa tình đồng đội với 897,8 triệu đồng, giúp đỡ hỗ trợ hội viên làm vốn phát triển kinh tế vươn lên làm giàu; Hội Cựu chiến binh tỉnh có 23 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 9 hợp tác xã, 666 trang trại, gia trại thu hút, giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động tại địa phương... Ngoài ra, các tổ chức hội, đoàn thể đã và đang ủy thác với các ngân hàng tạo điều kiện giúp đoàn viên, hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Có thể nói, những việc làm ý nghĩa đó không chỉ góp phần xây dựng tổ chức hội, đoàn thể vững mạnh mà còn phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong công cuộc xây dựng NTM.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top