Kinh tếNông thôn mới

Tủa Chùa nỗ lực xây dựng nông thôn mới

09:22 - Thứ Tư, 09/11/2022 Lượt xem: 5177 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, huyện Tủa Chùa đã thận trọng triển khai, lựa chọn bước đi phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Đến nay, phong trào xây dựng NTM ở Tủa Chùa bước đầu đã thu được những kết quả tích cực; đặc biệt nhận thức, trách nhiệm của người dân được nâng lên, xác định mình là chủ thể trong xây dựng NTM.

Mô hình VAC của hộ gia đình bà Mào Thị Chưởng, thôn Tiên Phong, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa).

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, huyện Tủa Chùa gặp nhiều khó khăn do điểm xuất phát còn thấp: Nhiều xã đặc biệt khó khăn; mức thu nhập của người dân trên địa bàn còn thấp hơn bình quân chung cả tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo thời điểm triển khai xây dựng NTM (năm 2011) trên 70%; sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là kinh tế hộ gia đình, nhỏ lẻ. Kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đồng bộ; nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa và yêu cầu của chương trình vẫn còn hạn chế…

Ông Phạm Quốc Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa cho biết: Trong xây dựng NTM, công tác tuyên truyền, vận động được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, tác động đến tiến độ xây dựng NTM. Do đó huyện đã triển khai kế hoạch tuyên truyền bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện xây dựng NTM thông qua việc lồng ghép các phong trào thi đua, như: “Cả nước chung sức xây dựng NTM”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”... Nhờ đó, nhận thức của người dân về xây dựng NTM đã chuyển biến rõ rệt, người dân ngày càng tích cực, chủ động tham gia xây dựng NTM bằng nhiều cách làm sáng tạo.

Cùng với công tác tuyên truyền, vận động người dân, huyện Tủa Chùa chú trọng huy động nguồn lực đầu tư. Tính riêng 9 tháng đầu năm 2022, huyện Tủa Chùa đã huy động được 188,8 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn đầu tư bố trí trực tiếp để thực hiện hơn 16,2 tỷ đồng; nguồn lồng ghép từ các chương trình khác gần 125 tỷ đồng; nguồn ngân sách địa phương (tỉnh, huyện) hơn 47,7 tỷ đồng. Cùng với đó, huy động Nhân dân đóng góp ngày công, vật liệu, hiến đất… trị giá hàng tỷ đồng.

Đến nay chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện Tủa Chùa đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, nhiều mô hình sản xuất liên kết chuỗi giá trị mang lại hiệu quả kinh tế cao được nhân rộng; kinh tế tăng trưởng với tốc độ nhanh, năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm, chất lượng cuộc sống của người dân không ngừng được nâng lên. Đặc biệt, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ, hoàn thiện. Từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã đầu tư xây dựng 157 công trình với tổng mức đầu tư trên 1.004 tỷ đồng. Nhờ đó, hiện nay toàn huyện có 150,5km đường liên xã; 56,6km đường trục xã và 52,7km đường trục thôn được cứng hóa (rải nhựa, bê tông hoặc cấp phối); kiên cố hóa được 14,5km kênh mương thủy lợi.

Tính đến tháng 9/2022 bình quân các xã trên địa bàn huyện đạt 9,55/19 tiêu chí, tăng 0,18 tiêu chí so với năm 2020; bình quân các thôn, bản đạt 6,04/15 tiêu chí. Dự ước hết năm nay, huyện Tủa Chùa phấn đấu bình quân các xã đạt 11,3/19 tiêu chí, có 3 xã cơ bản đạt từ 13 - 16 tiêu chí, 8 xã còn lại cơ bản hoàn thành từ 10 tiêu chí trở lên; thu nhập bình quân đạt 13 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm 3%/năm; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh khu vực nông thôn ước đạt 85%...

Để đạt mục tiêu đó huyện Tủa Chùa tiếp tục thực hiện các cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM. Giao mỗi hội, đoàn thể đảm nhận một số tiêu chí hoặc chỉ tiêu phù hợp để vận động hội viên thực hiện có kết quả. Trong đó, huyện chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; xóa đói, giảm nghèo gắn với việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, bền vững. Đồng thời, huy động các nguồn vốn, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, ưu tiên các địa bàn đặc biệt khó khăn. Tập trung xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng sản xuất hàng hóa, đường đến trung tâm các xã, thôn, bản, đường liên thôn; kiên cố hóa các công trình nước sinh hoạt, chợ, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, điện lưới quốc gia.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top