ĐBP - Những ngôi nhà mới khang trang, những con đường trải nhựa, bê tông được mở rộng, sạch đẹp; hệ thống trường học, trạm y tế, nhà văn hóa trung tâm, nhà văn hóa thôn bản được nâng cấp, xây mới... Cuộc sống của người dân xã Lay Nưa (TX. Mường Lay) đang dần đổi thay, người dân càng thêm tự hào, gắn bó với mảnh đất quê mình...
Giáp tết, tiết trời se lạnh, chúng tôi có dịp trở lại Hô Huổi Luông - một trong những bản vùng cao ở xã Lay Nưa mà trước đây bộn bề gian khó. Dẫu vậy, bằng ý chí quyết tâm, sự chung sức, chung lòng vượt lên khó khăn, cuộc sống của hơn 400 hộ dân nơi đây đã đổi thay nhiều.
Nhớ lại thời điểm cách đây khoảng chục năm về trước, Trưởng bản Giàng A Chía cũng phải lắc đầu, tặc lưỡi bởi sự gian khó ấy. Anh kể: Khi đó Hô Huổi Luông chỉ có 10 hộ, mà mỗi hộ cách nhau khá xa. Năm 2013, Nhà nước có chủ trương hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số, bà con trong bản đã đồng thuận chuyển về khu tái định cư mới, là khu đồi được san ủi bằng phằng rộng 4ha. Cùng với 10 hộ dân bản Hô Huổi Luông cũ còn có hơn 30 hộ nhóm dân cư khác chuyển vào sinh sống. Sống cùng nhau, ở cùng nhau, người dân bắt đầu hòa thuận, đoàn kết, giúp đỡ nhau làm ăn, phát triển kinh tế.
Theo chia sẻ của Trưởng bản Giàng A Chía, với lợi thế, địa hình sẵn có nên người dân Hô Huổi Luông chủ yếu phát triển kinh tế theo hướng sản xuất nông nghiệp là chính. Cả bản hiện có hơn 5ha lúa nước 1 vụ. Nhờ được cán bộ xã, huyện hướng dẫn, các hộ cũng đã biết đưa các giống cây trồng năng suất, áp dụng tiến bộ kĩ thuật, máy móc, công cụ sản xuất và ưu đãi vay vốn để phát triển sản xuất. Chính vì thế mà hàng năm, năng suất lúa, ngô ở bản năm sau đều cao hơn năm trước.
Không chỉ thay đổi nếp nghĩ trong trồng trọt, tư duy về chăn nuôi của người dân Hô Huổi Luông giờ đây cũng có nhiều đổi mới. Người dân đã mạnh dạn vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi gia súc. Hiện tổng đàn trâu, bò của bản là gần 200 con. Anh Hờ Nở Chu - một trong những hộ có đàn gia súc số lượng lớn trong bản, chia sẻ: Hiện tôi đang sở hữu gần 20 con trâu, bò. Đây là tài sản lớn nhất của gia đình nên tôi luôn chăm sóc cẩn thận. Mỗi năm, nhờ chăm sóc tốt, đàn gia súc sinh sản đều cũng giúp gia đình tôi thu nhập gần 100 triệu đồng.
Cùng với chăn nuôi, trồng trọt, người dân bản Hô Huổi Luông đã biết trân trọng, gắn bó với rừng để hưởng lợi từ rừng. Cộng đồng bản tham gia bảo vệ hơn 900ha rừng, mỗi năm được chi trả trên 200 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này đã và đang giúp nhiều gia đình mua nông cụ, cây, con giống, có thêm điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chưa dừng lại ở niềm vui chất lượng cuộc sống được nâng lên, với người dân Hô Huổi Luông, xuân này, họ sẽ còn vui hơn khi bản được chọn là nơi cất cánh môn thể thao dù lượn trong khuôn khổ Lễ hội Đua thuyền đuôi én và Giải vô địch các Câu lạc bộ Dù lượn quốc gia năm 2023.
Rời Hô Huổi Luông, chúng tôi đến một số bản khác ở xã Lay Nưa để cảm nhận cuộc sống của bà con khi sắc xuân đang cận kề. Ngoài hạ tầng điện đường trường trạm, một trong những thay đổi rõ nét nhất mà tôi cảm nhận được đó là cảnh quan môi trường. Trước đây, tình trạng rác thải sinh hoạt tại nhiều tuyến đường bị vứt bừa bãi. Khắc phục tình trạng này, cấp ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân gìn giữ vệ sinh môi trường công cộng, xây dựng điểm tập kết chung chuyển rác thải sinh hoạt chung và hình thành tổ xung kích bảo vệ môi trường. Đến nay, xây dựng môi trường sống xanh, sạch, đẹp đã trở thành nếp sống của nhiều hộ dân tại xã Lay Nưa. Trên nhiều tuyến đường ngõ xóm, thôn bản, người dân cải tạo, trồng hoa hoặc cây xanh; toàn bộ rác thải được phân loại, thu gom và xử lý phù hợp.
Chia sẻ về cuộc sống trên địa bàn xã, Bí thư Đảng ủy xã Lay Nưa Lù Văn Ánh phấn khởi cho biết, thời điểm đầu năm 2012, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới (NTM), không riêng xã mà nhiều người tỏ ra hoài nghi và cho rằng xây dựng NTM ở Lay Nưa là việc khó hoàn thành, bởi khi ấy xã mới chỉ đạt 3/19 tiêu chí. Thậm chí, thu nhập bình quân đầu người của xã khi ấy chỉ đạt hơn 6 triệu đồng/năm. Thế nhưng, bằng sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận từ phía nhân dân, xã Lay Nưa đã hoàn thành 19/19 tiêu chí vào năm 2017 và đang phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao vào năm 2023.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Lay Nưa, để đạt được mục tiêu phấn đấu đề ra, thời gian qua, công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân luôn được chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Xã khuyến khích nhân dân dồn vùng, đổi thửa phát triển các mô hình kinh tế gia trại vườn ao chuồng; vận động nhân dân chuyển đổi đất sản xuất một vụ kém năng suất sang nuôi trồng thủy sản, cây ngắn ngày có năng suất cao; mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa, ngô chất lượng cao. Cùng với đó, tranh thủ, triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn chăm sóc phòng trừ dịch bệnh... Có thể kể đến các mô hình kinh tế như: “Nuôi cá nheo Mỹ thương phẩm”; mô hình trồng cây ăn quả tại bản Bắc 1 và bản Bắc 2 với hai loại quả: Vải thiều Thanh Hà và xoài Đài Loan... Từ năm 2019, xã Lay Nưa đã triển khai mô hình máy cấy lúa không sử dụng động cơ, từ đó mang lại nhiều ưu điểm như: Giảm số lượng giống khi gieo, giảm chi phí mua giống, đảm bảo mật độ gieo cấy, hạn chế sâu bệnh, cho năng suất cao... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 37 triệu đồng/năm, tăng 17 triệu đồng so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM.
Thành quả, nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Lay Nưa có được ở thời điểm này là đáng trân trọng, bởi sự hài lòng, đồng thuận của người dân chính là thước đo chất lượng chương trình xây dựng NTM. Dẫu vậy, theo Bí thư Đảng ủy xã Lay Nưa, xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng sẽ không có điểm kết thúc. Từ những dấu mốc quan trọng này, Đảng bộ, chính quyền xã sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp, đoàn kết thống nhất xây dựng địa phương ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành xã NTM nâng cao theo mục tiêu đề ra.