Kinh tếNông thôn mới

Xây dựng huyện Điện Biên đạt chuẩn nông thôn mới

07:33 - Thứ Ba, 03/01/2023 Lượt xem: 5553 In bài viết

ĐBP - Là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện Điện Biên có 16/21 xã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM; phấn đấu đến năm 2025 được công nhận đạt chuẩn NTM cấp huyện. Để đạt được mục tiêu đề ra, huyện Điện Biên chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng NTM. Hiện nay, huyện đang rà soát, đánh giá, xác định rõ nội dung công việc còn lại để xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025.

Huyện Điện Biên huy động, lồng ghép các nguồn vốn tập trung hoàn thiện tiêu chí giao thông trên địa bàn.

Cũng như nhiều địa phương khác trong tỉnh, ban đầu triển khai chương trình xây dựng NTM huyện Điện Biên gặp không ít khó khăn, thách thức bởi điểm xuất phát thấp, kinh tế trọng tâm là sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ; hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển chưa đồng bộ. Số tiêu chí bình quân trước khi thực hiện chương trình khoảng 2 tiêu chí/xã. Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, hướng dẫn sát sao của các sở, ngành và sự thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, công cuộc xây dựng NTM đã đạt những kết quả nổi bật. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, người dân đã nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm trong xây dựng NTM, chủ động, tích cực tham gia nhiều phong trào, thực hiện nhiều công trình, phần việc, góp phần hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Một trong những kết quả nổi bật trong xây dựng NTM những năm qua là huyện Điện Biên đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Huyện khuyến khích người dân tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra nhiều mô hình sản xuất mới hiệu quả.

Mục tiêu đến năm 2025, huyện Điện Biên có 21/21 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, trong đó ít nhất 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tại các xã đạt chuẩn NTM, mỗi xã có trên 50% số thôn bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và các xã còn lại có trên 60% thôn, bản đạt chuẩn NTM. 100% đường liên xã, trục xã bê tông hóa, nhựa hóa; thu nhập bình quân đầu người từ 50 triệu đồng trở lên; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 - 2%/năm trở lên...

Theo bà Cao Thị Tuyết Lan, Bí thư Huyện ủy Điện Biên, để nâng cao hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2025 được công nhận đạt chuẩn NTM cấp huyện, ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ huyện chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình. Đồng thời xây dựng kế hoạch và đề ra những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện đảm bảo các mục tiêu; lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các tiêu chí NTM. Với phương châm xây dựng NTM là một quá trình “có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc”, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và phát huy vai trò tích cực, chủ động của người dân cùng với sự quan tâm của toàn xã hội trong xây dựng NTM. Chú trọng nhân rộng những cách làm hay, mô hình tốt như: Hiến đất, ngày công lao động... để thực hiện các công trình hạ tầng, công trình phúc lợi.

Một trong những giải pháp được huyện Điện Biên tập trung là thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng NTM theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, sản xuất theo chuỗi giá trị; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Tiếp tục duy trì, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, trong đó triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt triển khai các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; ưu tiên các mô hình, dự án quy mô tập trung, có liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng khoa học kỹ thuật mới, giống mới; kiên quyết không phê duyệt các mô hình, dự án không xuất phát từ nhu cầu của người dân, phạm vi thực hiện manh mún, nhỏ lẻ và không có giải pháp tổ chức sản xuất và phương án nhân rộng sau khi kết thúc dự án. Từ năm 2021 đến nay, huyện triển khai thực hiện dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” tại 5 cánh đồng, tổng diện tích 334,9ha; triển khai dự án hỗ trợ “Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giống lúa mới vào sản xuất” với tổng diện tích 150ha; hỗ trợ máy cấy lúa, khay mạ để mở rộng diện tích cấy... Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 12 xã đạt chuẩn NTM và 4 xã cơ bản đạt chuẩn NTM; toàn huyện có 5 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí; không có xã đạt dưới 10 tiêu chí; bình quân đạt 17,01 tiêu chí/xã. Toàn huyện có 48 thôn, bản đạt NTM và NTM kiểu mẫu.

Thu Phương
Bình luận
Back To Top