Kinh tếNông thôn mới

Khát vọng Pu Lau

07:40 - Thứ Ba, 03/01/2023 Lượt xem: 4755 In bài viết

ĐBP - Pu Lau từng là một trong những bản vùng xa, khó khăn nhất của xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) với tỷ lệ hộ nghèo trên 70%; đường giao thông chưa được bê tông hóa. Những năm gần đây, được sự đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... cùng sự nỗ lực vươn lên của người dân, Pu Lau đã trở thành bản tiên phong, kiểu mẫu về xóa đói giảm nghèo. 

Người dân Pu Lau thu hoạch dứa.

Trở lại Pu Lau vào những ngày cuối năm Nhâm Dần, ẩn trong sương mù và tiết trời giá lạnh, trên sườn đồi, những cây mơ, mận, đào bung hoa khoe sắc. Bản Pu Lau là nơi sinh sống của 110 hộ đồng bào dân tộc Mông, với hơn 500 khẩu. Trước đây khi mới định cư dưới chân núi Pu Lau, do tập quán canh tác lạc hậu, tự cung tự cấp, nên cái đói, cái nghèo đeo bám dai dẳng. Trong những năm gần đây, nhờ các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới, người dân đã được tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất nâng cao thu nhập. Đến nay, đời sống người dân trong bản đã ổn định và từng bước thoát nghèo, các hủ tục cũng bị đẩy lùi. Pu Lau đang từng ngày thay da, đổi thịt với những đồi cây ăn quả, đường bê tông phẳng phiu, trường học khang trang, nhiều gia đình có điều kiện xây dựng sửa sang nhà cửa, mua ti vi, tủ lạnh, xe máy... Có gặp gỡ, trò chuyện với người dân nơi đây mới cảm nhận rõ khát vọng thoát nghèo, làm giàu. Họ đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm; bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước mà tự lực vươn lên để thoát nghèo bền vững. Ở Pu Lau bây giờ có nhiều hộ khá lên nhờ trồng cây dứa và chăn nuôi. Mô hình trồng dứa ở Pu Lau đang được người dân hưởng ứng và nhân rộng trở thành bản có diện tích dứa lớn nhất xã với hơn 30ha, hầu như tất cả hộ dân trong bản đều trồng dứa.

Trong ngôi nhà khang trang, anh Vàng A Cử, người dân bản Pu Lau chia sẻ: “Nhờ chính sách quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đời sống người dân đã có nhiều đổi thay. Nếu chăm chỉ làm ăn, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... mỗi năm tiết kiệm một ít là có của ăn của để. Năm nay, gia đình tôi trồng khoảng 5.000m2 dứa, trừ chi phí cho thu nhập hơn 50 triệu đồng”.

Những năm gần đây, bản Pu Lau đã xuất hiện những mô hình kinh tế nông - lâm và chăn nuôi kết hợp cho thu nhập vài chục triệu đồng/năm, nhất là khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, cải tạo đất trống, bạc màu để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, bình quân lương thực đầu người ở bản Pu Lau đạt 900kg/năm; riêng lúa nước, bản hiện có 5,1ha đảm bảo lương thực cho người dân. Nhiều năm nay, Pu Lau không có hộ nào phải cứu đói. Chăn nuôi gia súc, gia cầm đều tăng trưởng tốt; nhiều hộ gia đình có 30 - 40 con trâu, bò. Tất cả 110 hộ trong bản đều chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm; cả bản có hơn 500 con gia súc. Hiện nay, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 36 triệu đồng/năm; bản chỉ còn 4 hộ nghèo.

Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, Pu Lau còn đi đầu trong công tác xây dựng bản nông thôn mới trên địa bàn xã Mường Nhà. Anh Vàng A Tỷ, Trưởng bản Pu Lau cho biết: Khi Pu Lau được xã Mường Nhà chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới, chi bộ và ban quản lý bản cùng với các già làng, người có uy tín trong bản vận động người dân chung sức đồng lòng tham gia. Nhiều hộ dân tự nguyện tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc, hiến hàng trăm mét vuông đất, diện tích hoa màu, đóng góp hàng trăm ngày công lao động cùng xây dựng nhà văn hóa bản; bê tông hóa 100% đường nội bản; đến nay 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đời sống văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, bản đã thành lập được tổ an ninh nhân dân giữ gìn an ninh trật tự trong bản, tổ hòa giải, phòng chống bạo lực gia đình, đội văn nghệ. Năm 2021, Pu Lau đã được công nhận bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Lò Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nhà cho biết: Pu Lau là một trong những bản điển hình về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn xã. Trong đó, mô hình trồng dứa đang ngày càng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Thời gian tới, xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây dứa, đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ với doanh nghiệp, hợp tác xã với thị trường để đưa nông nghiệp lên sản xuất quy mô lớn. Theo quy hoạch của xã đối với cây dứa trên địa bàn, mỗi năm sẽ mở rộng thêm khoảng 30% so với diện tích đang có. Xã đã triển khai mô hình thâm canh dứa trên địa bàn bản Pu Lau nhằm chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân, giúp nâng cao năng suất, sản lượng và đặc biệt là mục tiêu sản xuất 100% theo hướng hữu cơ, phát triển sản phẩm dứa Pu Lau trở thành một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.

Từ một bản nghèo khó, Pu Lau đã vươn lên, chỉ còn 4 hộ nghèo, không có hộ đói. Những ngôi nhà gianh tre, nứa lá được thay thế bằng những căn nhà gỗ khang trang, vững chắc; những con đường gồ ghề, lầy lội đã được bê tông hóa theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, trao đổi, mua bán và vận chuyển hàng hóa. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Trong hành trình phát triển, Pu Lau sẽ còn phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, song với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, người dân Pu Lau với khát vọng vươn lên sẽ tiếp tục phát huy nội lực, đoàn kết xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm.

Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top