Kinh tếNông thôn mới

Nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới

07:43 - Thứ Ba, 03/01/2023 Lượt xem: 4485 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi đến bản Hin 2, xã Na Sang (huyện Mường Chà) khi dân bản đang vệ sinh đường làng, ngõ xóm chuẩn bị đón tết cổ truyền của dân tộc.

Con đường bê tông ở bản Hiệu, xã Chiềng Sinh (huyện Tuần Giáo) mới đưa vào sử dụng do người dân hiến đất, hiến ngày công thực hiện.

Trong niềm vui khi ngày xuân cận kề, Trưởng bản Hin 2 Lường Văn Phương cho biết, cuối năm 2021, đầu năm 2022, bản đã được công nhận là bản nông thôn mới (NTM). Để có được kết quả đó, ngoài vai trò của cấp ủy, chính quyền, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thì vai trò của nhân dân là rất quan trọng. Họ tự nguyện hiến đất, hiến ngày công, hiến tiền của để xây dựng đường bê tông nội bản. Theo ông Lường Văn Phương, ngày trước con đường ở bản Hin 2 nhỏ và hẹp, không rộng rãi, sạch sẽ như  bây giờ. Cũng dễ hiểu bởi thời điểm đó, khi mới đưa chủ trương xây dựng NTM về bản, người dân còn e ngại không tin. Nhưng sau khi được cán bộ xã trực tiếp tuyên truyền, vận động, “mưa dầm thấm lâu”, người dân đã dần hiểu ra xây dựng NTM là xu thế tất yếu, trong đó chính họ là chủ thể thụ hưởng trực tiếp. Nhờ vậy mà bà con đã nghe theo, làm theo với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

Ông Phương dẫn chứng: Trước đây, một số hộ gia đình không đồng ý hiến đất làm đường bê tông mà muốn xã phải đền bù. Chúng tôi đã đến tận nhà tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc làm đường không chỉ làm đẹp cho bản mà còn làm lợi cho chính gia đình, con cháu họ... Cứ thế, một lần chưa nghe, hai lần chưa nghe, nhiều lần thì các gia đình đã nghe rồi cùng nhau tự nguyện hiến đất, làm đường. Đến nay, người dân trong bản đã hiến hàng trăm mét vuông đất, hàng trăm ngày công xây dựng 1,2km đường bê tông nội bản. Nhờ đó, vừa qua, bản Hin 2 là một trong những bản đạt chuẩn NTM đầu tiên của xã Na Sang.

Không chỉ tự nguyện hiến công, hiến của, bà con dân bản Hin 2 còn ý thức được lợi ích của việc bảo vệ môi trường. Bởi vậy mà hàng tháng, bà con lại sắp xếp thời gian cùng nhau quét dọn đường làng, ngõ xóm, bảo vệ môi trường xanh, sạch đẹp.

Mặc dù có vị trí địa lý thuận lợi hơn một số địa bàn khác ở huyện Tuần Giáo, nhưng nhiều năm trước, nhận thức người dân còn hạn chế nên việc huy động sức dân chung tay xây dựng NTM ở xã Chiềng Sinh gặp không ít khó khăn. Song những năm gần đây, bằng nhiều giải pháp cụ thể, nhất là khi công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, tư duy, nhận thức của người dân đang từng ngày đổi thay. Người dân cũng đã ý thức hơn, trách nhiệm hơn trong việc đồng hành cùng Nhà nước xây dựng NTM ở địa phương. Ông Trần Hiến Giang, Bí thư Đảng ủy xã Chiềng Sinh cho biết: Triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM, xã đã lồng ghép công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do các cấp, ngành phát động, như: “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; vệ sinh môi trường nông thôn, gắn với xây dựng NTM... Đặc biệt, phát huy vai trò nhân dân là chủ thể trong xây dựng NTM, mấy năm gần đây, xã Chiềng Sinh huy động 100% sức dân hiến đất, hiến của, hiến ngày công lao động để bê tông hóa giao thông nông thôn. Đến nay, 7/7 bản có đường ô tô đi lại thuận lợi cả 2 mùa; trong đó, hơn 70% đã được bê tông hóa, phấn đấu đến 2024 tỷ lệ bê tông hóa giao thông nội bản của xã đạt gần 100%.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, đặc biệt, trong công cuộc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát huy vai trò là chủ thể, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích cực áp dụng khoa học - kĩ thuật vào sản xuất, từ đó mang lại hiệu quả cao. Điển hình như nhân dân huyện Mường Chà tích cực chuyển đổi diện tích đất nương kém hiệu quả sang trồng dứa; nhân dân huyện Mường Ảng tham gia vào các dự án trồng cây ăn quả (cà phê, bưởi, xoài, mít...); nhân dân huyện Điện Biên áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp...

Nói về sức dân trong xây dựng NTM, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh cho biết, thay vì tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thời gian qua, bà con nhân dân trong tỉnh đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng cấp ủy, chính quyền chung tay xây dựng NTM. Năm 2022, cộng đồng dân cư trong tỉnh đã đóng góp hàng trăm nghìn ngày công, hiến đất, góp nguyên vật liệu làm đường giao thông, nhà văn hóa cộng đồng... xây dựng NTM với giá trị quy đổi gần 3,1 tỷ đồng. Từ đó, góp phần nâng số xã trong toàn tỉnh được công nhận đạt chuẩn, cơ bản đạt chuẩn đến hết năm 2022 là 52 xã (22 xã đạt chuẩn NTM, 30 xã cơ bản đạt chuẩn NTM). Riêng xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên hiện đã đạt 13/16 tiêu chí theo bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao.

Quang Long
Bình luận
Back To Top