Kinh tếNông thôn mới

Hiến “tấc vàng” cho nông thôn mới

09:20 - Thứ Hai, 30/01/2023 Lượt xem: 2920 In bài viết

ĐBP - Đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 52 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 22 xã đạt chuẩn NTM. Để có được kết quả này, ngoài nguồn lực đầu tư của Nhà nước, có đóng góp to lớn của người dân, nhất là trong việc hiến đất làm đường giao thông, xây dựng các công trình văn hóa, cơ sở vật chất… Đời sống người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là người dân vùng cao còn khó khăn, nhưng không ít hộ nghèo vì lợi ích chung của cộng đồng sẵn sàng hiến “tấc đất, tấc vàng” xây dựng NTM.

Ông Hoàng A Ký (ngoài cùng bên phải), bản Nậm Nhừ 1 đã hiến 2ha đất sản xuất để xây trường học. Ảnh: C.T.V

Ông Quàng Văn Phạ, bản Khon Kén, xã Mường Nhà (huyện Điện Biên) là một trong những tấm gương tiêu biểu về góp công góp của xây dựng NTM. Triển khai thực hiện xây dựng NTM trên địa bàn xã, để đạt được tiêu chí về trường học thì cơ sở hạ tầng của các cấp học phải đáp ứng được yêu cầu đủ phòng học, cơ sở đạt chuẩn theo quy định. Nhận thức được khó khăn chung của xã, ông Phạ đã bàn bạc cùng gia đình hiến 2.631m2 đất bám mặt đường Mường Nhà - Pú Hồng, là đất đang canh tác lúa nương hàng năm của gia đình. Nhờ đó, hiện nay điểm trường Tiểu học Pu Lau và điểm trường Mầm non Pu Lau đã được xây dựng khang trang, khuôn viên sạch sẽ, đầy đủ các hạng mục phụ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của học sinh trên địa bàn.

Trong thời điểm “tấc đất, tấc vàng”, việc vận động người dân hiến đất xây dựng các công trình hạ tầng là khâu khó đối với nhiều địa phương. Vậy nhưng ở xã Nậm Nhừ, huyện Nậm Pồ, hàng chục hộ dân sẵn sàng hiến đất của gia đình để xây dựng tuyến đường giao thông nông thôn, cơ sở vật chất, nhà văn hóa, trường lớp học. Trong đó không ít hộ dân có hoàn cảnh khó khăn, diện tích đất sản xuất ít nhưng vẫn tình nguyện hiến đất. Câu chuyện của ông Hoàng A Ký, ở bản Nậm Nhừ 1, xã Nậm Nhừ không ngần ngại hiến 2ha đất sản xuất để xây trường học đã truyền cảm hứng cho cộng đồng trong phong trào chung sức xây dựng NTM. Với ông Ký được hiến đất để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích của cả cộng đồng là một niềm vui lớn. Theo ông Hoàng A Ký, cho dù 2ha đất của gia đình sản xuất quanh năm, mang lại thu nhập ổn định, song ông đã vui vẻ hiến đất xây trường với một mong ước để con cháu có cái chữ và đỡ vất vả đi lại. Trong thời gian tới, nếu cần đất để xây dựng công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng gia đình ông sẽ tiếp tục tham gia.

Dù còn gặp nhiều vất vả, khó khăn trong phát triển kinh tế trên khoảnh đất ít ỏi của gia đình, vậy nhưng anh Thào A Gia, Trưởng bản Huổi Khon 2, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) vẫn sẵn lòng hiến 300m2 đất để xây phòng học khang trang cho trẻ mầm non ngay tại bản, giúp các cô giáo và học sinh có điều kiện dạy và học tốt hơn.

Anh Thào A Gia cho biết: “Trước đây, trên nền đất này là phòng học lắp ghép rộng chừng 15m2, là nơi học tập, ăn ngủ của 22 cháu từ 2 - 5 tuổi. Phòng học chật hẹp, không có công trình phụ, không sân chơi cho nên các cháu chỉ quanh quẩn trong lớp cả ngày. Khi nghe tin có nhà hảo tâm tài trợ toàn bộ kinh phí xây phòng học cho các cháu, tôi quyết định hiến 300m2 đất để đóng góp xây thêm lớp học, nhà bếp, công trình phụ và sân chơi cho các cháu”.

Việc làm ý nghĩa xuất phát từ lòng tự nguyện của ông Phạ, ông Ký, anh Gia và của nhiều người khác là minh chứng rõ nét nhất thể hiện nhận thức, hành động của người dân trong công cuộc xây dựng NTM nói riêng và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội địa phương nói chung. Những nghĩa cử cao đẹp đó đã tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, từ đó người dân hiểu được lợi ích thiết thực, lâu dài của việc hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh thì đất đai là tài sản giá trị lớn, hiến đất là quyết định không hề dễ dàng khi cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, hơn thế nữa việc cắt đi một phần đất đai cha ông để lại cũng là điều trăn trở của không ít người. Thế nhưng qua công tác tuyên truyền vận động, người dân đã hiểu mục đích, ý nghĩa và tích cực tham gia xây dựng NTM. Nhiều hộ dân đã sẵn sàng chặt cây, nhường hàng nghìn mét vuông đất, phá bỏ công trình của gia đình để làm đường giao thông, xây dựng trường học và các công trình phúc lợi khác. Sự đóng góp to lớn của nhân dân đã góp phần quan trọng giúp các địa phương xây dựng hạ tầng nông thôn ngày càng khang trang.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top