Kinh tếNông thôn mới

Xã nông thôn mới vẫn khó đảm bảo tiêu chí môi trường

08:53 - Thứ Tư, 26/04/2023 Lượt xem: 1668 In bài viết

ĐBP - Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), vệ sinh môi trường các thôn, bản vùng nông thôn đã được cải thiện đáng kể. Gia súc, gia cầm được di chuyển ra xa khu dân cư. Người dân có ý thức tham gia quét dọn đường nội thôn, bản, khơi thông cống rãnh, đào hố rác, xử lý rác thải sinh hoạt, làm nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh. Tuy nhiên, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025, tiêu chí 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm, trong đó việc xử lý rác thải đúng theo quy định để đảm bảo môi trường vẫn đang là điều trăn trở của không ít địa phương.

Các tổ chức đoàn thể xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên vận động người dân tích cực tham gia phong trào làm sạch đường làng ngõ xóm. Ảnh: Lan Phương

Xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) là xã điểm xây dựng NTM nâng cao của tỉnh vẫn còn tình trạng rác bên các tuyến đường nội đồng, đường nội thôn hay liên thôn, từ rác thải sinh hoạt đến rác thải trong sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là chất thải trong chăn nuôi chưa có biện pháp xử lý đúng cách .

Ông Quàng Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Thanh Hưng cho biết: Được đánh giá là tiêu chí “mềm” không cần nhiều nguồn lực đầu tư từ nhà nước, thế nhưng tiêu chí môi trường lại đang là bài toán khó giải quyết triệt để. Hiện nay nhận thức, vai trò chủ thể của người dân một số nơi còn hạn chế; nước thải từ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, tập quán thả rông, nuôi nhốt gia súc không có hố ủ phân, nhiều hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đặc biệt, việc xử lý rác thải rắn, rác thải sinh hoạt tại các vùng nông thôn không được thu gom xử lý đúng quy định.

Thôn Thanh Chung, xã Thanh Hưng được lựa chọn điểm xây dựng NTM nâng cao của xã Thanh Hưng, cũng là trong số ít thôn, bản thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải. Để thực hiện tiêu chí về môi trường, thôn đã tích cực vận động người dân vào cuộc. Định kỳ hằng tuần, thôn tổ chức buổi tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm. Mỗi gia đình đều phải nâng cao ý thức thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt đúng nơi quy định.

Ông Trương Duy Bình, Bí thư Chi bộ thôn Thanh Chung cho biết: Rác thải tại các hộ gia đình thì thôn vận động mỗi gia đình có 1 hố xử lý rác thải nhỏ ở góc vườn. Phân ra 2 loại rác, rác cứng và rác mềm. Rác cứng đóng vào bao chở ra khu vực tập kết; rác mềm phân huỷ được thì đốt tại nhà. Còn đối với các hộ chăn nuôi thì nước thải được xả vào hố biogas.

Theo thống kê của UBND xã Thanh Hưng, hiện nay tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường mới chỉ đạt 74%. Tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh mới chỉ đạt hơn 80%. Cùng với đó, tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh cũng chưa đạt. Nhiều hộ dân vẫn đang sử dụng nước từ giếng khoan.

Đối với xã Thanh Chăn - xã điểm, cũng là xã đầu tiên của tỉnh cán đích NTM từ năm 2015. Đã 7 năm đạt xã chuẩn NTM nhưng hiện nay Thanh Chăn cũng gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM nâng cao, nhất là tiêu chí về môi trường. Rác thải, vỏ bao bì thực vật sau khi sử dụng vẫn còn nhiều ngoài môi trường.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn cho biết: Khó khăn nhất hiện nay của xã trong tiêu chí môi trường là xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn nguy hại. Hiện nay người dân chưa có điều kiện và kỹ thuật trong xử lý nước thải sinh hoạt. Nước thải trong chăn nuôi thì chủ yếu đưa ra mương là chính. Thứ hai, xử lý chất thải độc hại là vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Mặc dù, UBND xã đã xây dựng bể thu gom nhưng ý thức chấp hành của nhiều người dân chưa tốt. Cùng với đó, dự án xây dựng bãi xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn xã cũng chưa đảm bảo yêu cầu hợp vệ sinh môi trường. Rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa được thu gom xử lý kịp thời, đúng cách dẫn đến tình trạng ô nhiễm. Những vấn đề trên đã ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng môi trường cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Thanh niên
Bình luận
Back To Top