Kinh tếNông thôn mới

Nông thôn mới chưa bền vững

14:01 - Thứ Hai, 12/06/2023 Lượt xem: 2882 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay toàn tỉnh có 21/115 xã được công nhận đạt chuẩn và 30 xã cơ bản đạt chuẩn NTM (từ 15 - 18 tiêu chí). Nhờ đó, diện mạo nông thôn thay đổi tích cực; hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư; cuộc sống người dân khởi sắc, rút ngắn sự chênh lệch về chất lượng cuộc sống giữa vùng nông thôn với thành thị. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà nhiều xã NTM trên địa bàn tỉnh có nguy cơ “mất chuẩn” sau khi được công nhận; đặc biệt kể từ khi áp dụng Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, hầu hết các xã đã được công nhận đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM đều bị rớt tiêu chí.

Bài 1: Nhiều xã nông thôn mới rớt tiêu chí

Một góc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé.

Xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, vì vậy ngay sau khi đón bằng công nhận đạt chuẩn NTM, các xã được công nhận tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Nhưng đây không phải là nhiệm vụ dễ thực hiện trong giai đoạn mới. Rà soát theo bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, nhiều xã được công nhận đạt chuẩn NTM đã “hụt hơi”, có xã không những chưa trả được các tiêu chí, chỉ tiêu đã nợ, mà còn rớt nhiều tiêu chí đã đạt.

Rớt tiêu chí

Ngày 30/9/2022, UBND tỉnh ban hành quyết định 1833/QĐ-UBND về bộ tiêu chí xã NTM và bộ tiêu chí xã NTM nâng cao tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi rà soát, đối chiếu, đánh giá theo quy định mới, nhiều xã NTM trên địa bàn tỉnh rớt chuẩn một số tiêu chí đã được công nhận.

Năm 2020, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) được công nhận đạt chuẩn NTM với 18/19 tiêu chí đạt chuẩn và nợ 1 tiêu chí “hộ nghèo”. Những đổi thay trên địa bàn xã Sín Thầu dễ dàng nhận thấy. Đó là kết cấu hạ tầng nông thôn được quan tâm đầu tư ngày càng khang trang, sạch đẹp: tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa đạt 100%; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn điện đạt 100%; không còn hộ gia đình ở nhà tạm, dột nát; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 90%; tỷ lệ nhà văn hóa các thôn bản đạt 100%...

Nhưng sau hơn 2 năm được công nhận đạt chuẩn NTM, đến nay xã Sín Thầu vẫn chưa trả nợ được tiêu chí “hộ nghèo”. Thậm chí rà soát theo bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, xã Sín Thầu bị rớt 2 tiêu chí: Quy hoạch; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

Tương tự, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2018 với 19/19 tiêu chí. Tuy nhiên, khi rà soát và đối chiếu với các tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 thì xã Núa Ngam rớt chuẩn 3 tiêu chí, gồm: Quy hoạch; Nhà ở dân cư; Môi trường và an toàn thực phẩm. Cùng với đó, một số tiêu chí bị rớt chỉ tiêu thành phần nên chỉ cơ bản đạt chuẩn, như: Y tế; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Cơ sở vật chất văn hóa.

Thông tin từ Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, sau khi yêu cầu các xã đạt chuẩn và xã cơ bản đạt chuẩn NTM rà soát lại các tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025, hầu hết các xã đều bị giảm tiêu chí, chỉ tiêu thành phần so với thời điểm công nhận NTM. Điển hình, trên địa bàn huyện Điện Biên có 12 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM thì 100% đều bị rớt từ 1 - 3 tiêu chí. Tại huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa, TP. Điện Biên Phủ... các xã đều giảm tiêu chí so với thời điểm công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, các tiêu chí bị rớt chủ yếu là: Hộ nghèo, Thu nhập, Lao động, Quy hoạch. Theo thống kê, hết năm 2022, toàn tỉnh còn 90/115 xã đạt tiêu chí số 11 về “Lao động”, giảm 25 xã so với năm 2021; 69/115 xã đạt tiêu chí Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, giảm 6 xã...

Thiếu nguồn lực

Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch UBND xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) cho biết: “Hàng năm xã đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp để duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, nhưng các chỉ tiêu, tiêu chí mới nâng cao hơn so với giai đoạn trước nên khó duy trì và thiếu nguồn lực phát triển.”

Còn lý giải nguyên nhân xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) rớt chuẩn 3 tiêu chí, ông Lò Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xuất phát điểm của xã thấp, địa bàn rộng, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều. Trong khi đó các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định mới quá cao so với mức sống của người dân vùng cao.”

Khảo sát thực tế cho thấy một số tiêu chí mới thực sự là khó khăn, thử thách với nhiều xã NTM như: Thu nhập; Lao động; Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; Giáo dục và đào tạo; Y tế; Môi trường và an toàn thực phẩm.

Áp dụng bộ tiêu chí mới, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) - một xã gần trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh, song vẫn giảm 2 tiêu chí so với thời điểm được công nhận đạt chuẩn NTM (năm 2016), gồm: Quy hoạch và Thu nhập. Nguyên nhân do yêu cầu tăng cao so với trước đây. Đơn cử, tiêu chí thu nhập bình quân đầu người năm 2022 xã đạt 31,7 triệu đồng/người, năm 2023 đạt 32 triệu đồng/người. Nhưng để đạt chuẩn theo quy định mới thì năm 2023 xã phải đạt từ 42 triệu đồng/người trở lên và đến năm 2025 phải đạt từ 48 triệu đồng/người trở lên.

Việc các xã rớt chuẩn tiêu chí NTM có nguyên nhân do bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 có yêu cầu cao hơn. Song phải nhìn nhận thực tế là chất lượng xây dựng NTM chưa thật sự bền vững, vẫn còn tình trạng chạy theo thành tích để đạt chuẩn. Điều này dẫn đến khi áp dụng quy định mới, nâng cao thì nhiều tiêu chí không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện trong giai đoạn mới.

Bài 2: Những “căn bệnh” dễ làm rớt hạng nông thôn mới

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top