Kinh tếNông thôn mới

Nông thôn mới chưa bền vững (bài 2)

14:21 - Thứ Tư, 14/06/2023 Lượt xem: 2532 In bài viết

Bài 2: Những “căn bệnh” dễ làm rớt hạng nông thôn mới

ĐBP - Không thể phủ nhận các tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 tăng cao cả về số lượng và nâng cao về chất lượng khiến nhiều địa phương gặp khó khăn. Thế nhưng, ngoài những yếu tố khách quan, phải thẳng thắn nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan khi đã có những biểu hiện sự bằng lòng, thỏa mãn với kết quả đạt được. Đặc biệt, việc thực hiện chỉ tiêu giao xây dựng NTM đã tác động không nhỏ đến tâm lý phải “chạy đua” để “cán đích” NTM dẫn đến tình trạng “chín ép”.

Bài 1: Nhiều xã nông thôn mới rớt tiêu chí

Xã Búng Lao, huyện Mường Ảng không đạt tiêu chí thu nhập theo quy định. Trong ảnh: Người dân bản Nà Dên, xã Búng Lao tập trung mô hình cây ăn quả, tăng thu nhập.

Chủ quan là chính

Theo Quyết định số 1833/QĐ-UBND của UBND tỉnh, Bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025, có 19 tiêu chí lớn và 58 tiêu chí thành phần. So với bộ tiêu chí cũ (2017 - 2020), tăng 9 chỉ tiêu thành phần. Bên cạnh đó, bộ tiêu chí mới có một số chỉ tiêu, tiêu chí đòi hỏi sự phấn đấu rất cao; điều kiện để đạt từng tiêu chí, chỉ tiêu rất khó (như tiêu chí thu nhập, hộ nghèo, lao động, quy hoạch, môi trường và an toàn thực phẩm...). Trong khi một số chỉ tiêu nhỏ lại không phù hợp với điều kiện thực tế các xã vùng cao, sâu, vùng xa, như chỉ tiêu 15.4 về “tỷ lệ dân số có sổ khám chữa bệnh điện tử” thuộc tiêu chí Y tế.

Song nguyên nhân chính yếu vẫn là sự thiếu bền vững của các địa phương trong xây dựng NTM, mà khởi nguồn là từ “bệnh thành tích”. Nhiều địa phương chỉ chú trọng thi công các công trình hạ tầng cơ bản theo hình thức “làm trước, dân đóng góp trả sau”, dẫn tới nợ; trong khi những tiêu chí cốt yếu như phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân lại chưa được chú trọng đúng mức. Cùng với đó là tâm lý chủ quan, tự mãn cũng là những nguyên nhân khiến nhiều xã NTM bị rớt tiêu chí.

Thực tế cho thấy tại nhiều xã, sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã có biểu hiện thỏa mãn với kết quả đạt được nên việc duy trì, giữ vững và nâng cấp mức độ đạt chuẩn các tiêu chí NTM chưa được chú trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo thiếu sát sao, quyết liệt dẫn đến tình trạng người dân cũng sao nhãng, thiếu ý thức trong việc quản lý, thực hiện các tiêu chí, đặc biệt là các tiêu chí về môi trường, an ninh trật tự, nhân rộng các mô hình kinh tế để tăng thu nhập, giảm nghèo. 

Xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên) là xã đầu tiên của tỉnh về đích NTM (năm 2015). Song có thể thấy, hiện nay ở Thanh Chăn không còn không khí sôi nổi của phong trào xây dựng NTM, xây dựng nếp sống văn hóa như gần 8 năm trước. Cũng không còn nhiều người dân quan tâm hay tự hào về danh hiệu xã NTM đầu tiên của tỉnh. Sau gần 8 năm đạt chuẩn NTM, đến nay hầu hết các công trình đã bắt đầu xuống cấp và không có nguồn lực để sửa chữa. Theo ghi nhận của phóng viên, nhiều tuyến đường liên xã đã xuống cấp, thậm chí có đoạn hư hỏng nghiêm trọng khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí ngay khu trung tâm xã, rác thải sinh hoạt cũng không được thu gom, tập kết theo quy định.

Khắc phục tư tưởng sớm thỏa mãn

Báo cáo về kết quả xây dựng NTM năm 2022 của tỉnh nêu rõ: “Bên cạnh những kết quả đạt được, phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu chững lại, nhiều địa phương không tăng thêm tiêu chí. Công tác duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí tại một số địa phương còn hạn chế, đặc biệt là các xã đã đạt chuẩn giai đoạn trước; chưa thực hiện tốt được yêu cầu cốt lõi của chương trình là phải phát huy được vai trò chủ thể của nhân dân...”.

Một trong những nguyên nhân được xác định là do công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền một số địa phương, nhất là cấp xã còn hạn chế, thiếu sâu sát, quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM. Các xã chưa bố trí được công chức chuyên trách tham mưu nên chưa chủ động, sâu sát, quyết liệt trong tổ chức triển khai thực hiện xây dựng NTM. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Công tác phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chuyên môn của huyện với nhà đầu tư chưa chặt chẽ; công tác phối hợp giữa một số phòng, ban, đơn vị trong giải quyết công việc chưa được tốt; nhà đầu tư chưa thực sự tích cực, chủ động triển khai dự án.

Trong khi đó, nhiều địa phương sau khi “về đích” NTM đã nảy sinh tư tưởng bằng lòng với kết quả đạt được, cho dù là “chín ép”. Do đó sau một thời gian, các tiêu chí suy giảm chất lượng và khi có yêu cầu mới cao hơn là rớt hạng. Thực tế xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh những năm qua cho thấy, một số tiêu chí về cơ sở vật chất như: giao thông, thủy lợi, trường học, điện... được nhà nước hỗ trợ vốn cộng với huy động từ sức dân thì việc hoàn thành và giữ vững khá thuận lợi. Nhưng đối với những tiêu chí “mềm” như: an ninh trật tự, môi trường, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất... việc hoàn thành đã khó mà giữ vững lại không hề dễ bởi ranh giới giữa đạt và không đạt khá mong manh, thiếu tính bền vững. Chẳng hạn như tiêu chí 19 về “Quốc phòng an ninh”, để hoàn thành tiêu chí này không khó nhưng việc giữ vững thì không dễ dàng vì chỉ cần năm nào trên địa bàn xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng hoặc vụ gây rối trật tự xã hội... thì địa phương sẽ rớt chuẩn tiêu chí 19.

Xây dựng NTM là công việc dài lâu, cấp ủy, chính quyền các địa phương cần nhận thức đầy đủ, rõ ràng để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đặc biệt cần xóa bỏ bệnh thành tích, tư tưởng bằng lòng, thỏa mãn; phải thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá, thẳng thắn chỉ ra mặt trì trệ để sửa chữa, khắc phục, đáp ứng mục tiêu đề ra. Không vì để đạt được thành tích mà bằng mọi cách thúc “chín ép”, dẫn đến không bền vững.

Bài 3: Cốt lõi là vai trò chủ thể và chất lượng cuộc sống của người dân

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top