Kinh tếNông thôn mới

Nà Bủng khó hoàn thành tiêu chí thu nhập trong xây dựng nông thôn mới

08:48 - Thứ Tư, 11/10/2023 Lượt xem: 2609 In bài viết

ĐBP - Là 1 trong 3 xã khó khăn nhất khi xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Nậm Pồ, thời gian qua Nà Bủng được chính quyền địa phương ưu tiên, dành nhiều sự quan tâm. Diện mạo nông thôn ở Nà Bủng đang ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên, hiện tại lộ trình xây dựng NTM của xã vẫn đang trong quá trình “leo dốc”, với nhiều khó khăn cần vượt qua. Trong đó nan giải nhất là tiêu chí thu nhập. Ðây là tiêu chí rất khó, thậm chí gần như không thể đạt nếu không có nguồn hỗ trợ.

Là xã đặc biệt khó khăn, cách trung tâm huyện Nậm Pồ gần 50km nên khi triển khai xây dựng NTM, Nà Bủng gặp nhiều thách thức. Ðịa hình chủ yếu là đồi núi, trình độ dân trí không đồng đều, số người nghiện ma túy cao, đời sống đồng bào các dân tộc chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Do xuất phát điểm thấp nên để xóa đói giảm nghèo có hiệu quả không chỉ là nỗi trăn trở của cấp ủy, chính quyền xã mà còn là của huyện Nậm Pồ và các lực lượng đứng chân trên địa bàn. Nhiều năm qua, cùng với nhiệm vụ ổn định tình hình an ninh trật tự thì công tác xóa đói giảm nghèo luôn được xã Nà Bủng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt.

Ông Cháng A Chữ, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã thường xuyên tổ chức đánh giá, lựa chọn những loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để người dân đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt với mục tiêu trước mắt là ổn định cuộc sống và lâu dài là có nguồn thu nhập ổn định”.

Thời gian qua, Nà Bủng đã tích cực lồng ghép triển khai các chương trình nhằm hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế, xóa đói giảm nghèo cho người dân nhằm góp phần xây dựng, hoàn thành các tiêu chí NTM trên địa bàn. Nhất là triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tổng nguồn vốn được giao năm 2023 và chuyển giao từ năm 2022 của xã Nà Bủng là 5,552 tỷ đồng. Ða phần trong đó tập trung vào hỗ trợ sản xuất, với các mô hình giảm nghèo (trồng cây quế, bí xanh, mắc ca, mít siêu sớm da xanh…) và đa dạng hóa sinh kế. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chương trình được đánh giá còn chậm, công tác giải ngân nguồn vốn chưa đảm bảo yêu cầu. Do vậy, tính đến hết tháng 9/2023, Nà Bủng mới chỉ cơ bản đạt 9/19 tiêu chí NTM. So với kết quả thực hiện năm 2022 thì tiêu chí duy nhất đạt là Giáo dục. Trong số các tiêu chí chưa hoàn thành, việc nâng cao thu nhập để đạt tiêu chí thu nhập và hộ nghèo hiện đang là “nút thắt” khó gỡ đối với chính quyền xã. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã Nà Bủng mới đạt 14,7 triệu đồng/người/năm.

Thực tế hiện nay ở Nà Bủng, nguồn thu nhập chính của người dân vẫn đến từ sản xuất nông nghiệp, với cây lúa, ngô, chăn nuôi gia súc… cơ bản mới chỉ giúp người dân giải quyết khâu chống đói. Những năm gần đây, thời tiết bất thường do tác động của biến đổi khí hậu; nắng nóng kéo dài… làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn đã xảy ra 2 đợt thiên tai gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng trực tiếp đến 8 hộ gia đình, 0,34ha hoa màu. Tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch của chính quyền địa phương đã khó càng thêm khó. 9 tháng đầu năm, địa phương này vẫn phải thực hiện cứu đói giáp hạt (6,51 tấn) cho 104 hộ, với 434 nhân khẩu.

Mục tiêu của chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống Nhân dân các dân tộc, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Chính vì vậy, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng thì việc hoàn thành 2 tiêu chí về thu nhập và giảm nghèo đang đặt ra nhiều thách thức đối với Nà Bủng. Những ưu việt mang lại của chương trình xây dựng NTM đã được chứng minh trong thực tế. Kế hoạch đã được huyện Nậm Pồ xác định, quyết tâm chính trị cũng đã được Nà Bủng đẩy mạnh với những mục tiêu cụ thể cho năm 2023. Song, như thế là chưa đủ. Việc xã nghèo có về đích đúng hẹn không thiết yếu bằng việc người dân no cơm ấm mặc, đủ đầy hơn. Chính quyền và người dân Nà Bủng có quyết tâm nhưng sẽ thực sự khó khăn để về đích NTM mà không có các nguồn hỗ trợ. 

Hà Linh
Bình luận
Back To Top