Nguy cơ khi đầu tư tiền ảo

09:35 - Thứ Ba, 04/01/2022 Lượt xem: 4149 In bài viết

Thời gian vừa qua, mặc dù nhiều đường dây lừa đảo thông qua các sàn giao dịch tiền ảo đã bị lực lượng công an triệt xóa, tuy nhiên, tình hình hoạt động của loại tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Nhiều người đã mất trắng tài sản khi đầu tư vào các sàn giao dịch này.

Ðối tượng Trần Minh Tuấn (bên phải) tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Lê Ngọc

Bằng thủ đoạn đưa ra các cam kết về mức lãi suất rất cao, thông qua các sàn giao dịch tiền ảo, các đối tượng đã lừa hàng nghìn người tham gia với những khoản tiền bị lừa rất lớn.

Mất trắng tiền đầu tư

Chị N.T.L. (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) và chồng là nhân viên một công ty tư nhân có tổng thu nhập khoảng 25 triệu đồng/tháng. Số tiền đó đủ để trang trải cuộc sống, nhưng rất khó để tích lũy. Dành dụm được khoản tiền hơn 100 triệu đồng, qua một người bạn, chị L. quyết định đầu tư vào một sàn giao dịch tiền ảo có tên FXTradingmarkets. Theo lời giới thiệu, mức lãi suất chị L. nhận được khi "đổ" tiền vào đây có thể lên đến gần 10 USD/ngày. Trong trường hợp "thị trường" hôm đó xấu thì mức lãi cũng được tầm 2-4USD/ngày. Tháng 3/2021, chị L. đổi tiền Việt Nam ra 5.000 USD để tham gia đầu tư thì được mời tham gia vào một nhóm Zalo, ở đó có một số người tự giới thiệu là "sư phụ", "chuyên gia", có nhiệm vụ canh thị trường, chốt lệnh và thông báo lợi nhuận hằng ngày. "Khoảng một tháng đầu, tôi được thông báo khoản tiền của mình đã lên gấp rưỡi số vốn bỏ ra. Thấy lợi nhuận cao, tôi vay mượn thêm 2.000 USD để đầu tư và rủ thêm một số người quen cùng tham gia. Ðến tháng 4/2021, tổng số tiền đầu tư của tôi sau khi được quy đổi thành tiền ảo chỉ còn giá trị khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, trên nhóm, những "chuyên gia" vẫn khẳng định là sau này, đồng tiền lên sàn sẽ có giá trị rất cao, tôi vẫn hy vọng gỡ gạc được tiền đầu tư. Ðến tháng 6 vừa qua, sàn giao dịch FXTradingmarkets đóng cửa, tôi mất trắng số tiền đã bỏ ra. Tiền mất thì đã đành, bây giờ các mối quan hệ với những người tôi rủ đầu tư vào đây cũng mất hết", chị L. ngậm ngùi chia sẻ.

Tương tự chị L., anh N.T. cũng là nạn nhân của một sàn giao dịch tiền ảo. Ðược người quen giới thiệu là "đầu tư vào đây thì ngồi chơi cũng có tiền", anh T. lấy tiền tiết kiệm và vay mượn thêm khoảng 2 tỷ đồng để đầu tư vào một sàn giao dịch có tên là Busstrade. Theo lời quảng cáo, Busstrade là nền tảng giao dịch tiền ảo theo quyền nhị phân, được bảo hiểm vốn 100% và lợi nhuận lên tới 30%/ tháng. Sàn được cấp phép từ một nước châu Âu, khi tham gia, nhà đầu tư không phải làm gì, hằng ngày chỉ cần vào tài khoản kiểm tra lãi và muốn rút tiền cả gốc lẫn lãi bất cứ lúc nào. Sau hơn một tháng tham gia, thấy hình thức đầu tư này khá rủi ro, nhưng chưa kịp rút tiền thì anh T. nhận được thông báo sàn đã đóng cửa. Khả năng mất trắng khoản tiền tiết kiệm, và phải "ôm" thêm khoản nợ 1 tỷ đồng từ người thân cùng với 1 tỷ đồng vay tín dụng đen và thu nhập hằng tháng chỉ đủ để trả lãi cho khoản nợ này đang hiện ra trước mắt đối với anh T.

Ðây chỉ là hai trong rất nhiều trường hợp bị mất trắng những khoản tiền rất lớn khi tham gia vào các sàn giao dịch tiền ảo. Thời gian qua, cơ quan công an các địa phương cũng nhận được rất nhiều đơn tố cáo các sàn giao dịch lừa đảo từ những nhà đầu tư. Nhiều người sau khi trắng tay, rơi vào nợ nần vì tiền ảo đã tìm cách lừa đảo những người khác nhằm "gỡ gạc". Tháng 4/2021, Công an huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Ngô Thị Lý (trú tại thôn Tự Cường, xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc) về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ðây là đối tượng bị lừa khi đầu tư tiền ảo, mất khả năng chi trả các khoản vay cho nên bịa ra mục đích cần tiền mua đất, xây nhà… để vay tiền và chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng của 15 người.

Tránh "tiền mất tật mang"

Cuối tháng 12/2021, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Trần Minh Tuấn (36 tuổi, tên gọi khác là Tommy, trú tại huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) về tội "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Tuấn là người đã cấu kết với một số đối tượng khác thông qua sàn giao dịch tiền ảo Bioption.org để chiếm đoạt tiền của hàng trăm người ở nhiều tỉnh, thành phố. Thủ đoạn của các đối tượng là lôi kéo nhiều người làm đại lý theo từng cấp, cùng phát triển hệ thống, đọc lệnh giao dịch trên sàn Bioption.org cho các nhà đầu tư rồi chia tỷ lệ phần trăm hoa hồng theo dạng đa cấp. Ðể lôi kéo nhà đầu tư, nhóm này đưa ra các gói bảo hiểm trên sàn và khẳng định khi đổ tiền vào đây lợi nhuận rất cao, cùng lắm là hòa chứ không lỗ. Tháng 9/2021, nhóm trên khóa sàn khiến nhà đầu tư không thể đăng nhập giao dịch, rút tiền. Hơn 150 người tố cáo Tuấn và đồng bọn chiếm đoạt hơn 23 tỷ đồng. Cũng trong tháng 12/2021, Công an thị xã Duy Tiên (Hà Nam) phối hợp Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) bắt giữ Ninh Ðắc Huân (30 tuổi, trú tại phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội) vì tội danh "sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản". Huân là người quản trị, điều hành sàn tiền ảo TcbTrade.com và quản trị 8 sàn giao dịch điện tử khác. Cơ quan công an xác định có hàng nghìn nhà đầu tư bị lừa với tổng số tiền là hơn 55 tỷ đồng.

Ðây chỉ là hai trong hàng chục sàn tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo bị cơ quan công an truy quét, triệt xóa trong năm 2021. Theo luật sư Phạm Việt Hưng (Trưởng văn phòng luật sư Thiên Hưng và cộng sự), theo Công văn số 5747/NHNN-PC ngày 21/7/2017 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam gửi Văn phòng Chính phủ thì tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam. Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 96/2014/NÐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Về việc đầu tư vào tiền ảo, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã cảnh báo nhiều lần việc đầu tư này tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho nhà đầu tư. Theo các quy định thì hoạt động đầu tư tiền ảo không được pháp luật Việt Nam thừa nhận. Tuy nhiên, khi có dấu hiệu bị lừa đảo, các nhà đầu tư vẫn có thể làm đơn tố giác lên cơ quan công an để làm rõ hành vi của những đối tượng, xử lý theo quy định pháp luật và yêu cầu buộc các đối tượng trả lại tiền đã chiếm đoạt. Ðây cũng là cách để cảnh tỉnh những người đang có ý định đầu tư vào hình thức chứa đựng rất nhiều rủi ro này.

Theo một cán bộ Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, mặc dù nhiều đường dây lừa đảo thông qua các sàn giao dịch tiền ảo đã bị lực lượng công an liên tiếp đánh sập, tuy nhiên, tình hình hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng. Cục cũng đã phát đi những cảnh báo về hoạt động của các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân (Binary Option - BO) trên không gian mạng có dấu hiệu tổ chức kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản người tham gia. Các đối tượng thường có cách quảng bá cho sản phẩm của mình khiến nhà đầu tư lầm tưởng các sàn đã được cấp phép tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các sàn giao dịch quyền chọn nhị phân đang hoạt động ở nước ta không thuộc đối tượng được xem xét, cấp phép. Bên cạnh đó, các đồng tiền ảo do các đối tượng tạo ra cũng không được cấp giấy chứng nhận bán hàng đa cấp theo quy định.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top