ĐBP - Sáng nay (12/1), Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, Nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017 - 2021”. Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng Ban chỉ đạo Đề án chủ trì hội nghị. Đại tá Bùi Thế Tuyên, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chủ trì tại điểm cầu Điện Biên.
Giai đoạn 2017 - 2021, Ban Chỉ đạo Đề án phối hợp với các tỉnh, thành phố biên giới hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) nói chung và Đề án nói riêng. Ngành Tư pháp tích cực phối hợp với Bộ đội Biên phòng và các cơ quan, đơn vị bám sát thực tiễn để tuyên truyền PBGDPL hiệu quả. Gắn công tác tuyên truyền, PBGDPL trong các phong trào, các cuộc vận động xây dựng nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở... Các địa phương đã củng cố, duy trì hoạt động trên 2.000 câu lạc bộ (CLB) pháp luật và CLB trợ giúp pháp lý với trên 10 nghìn tổ hòa giải, đây là lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ PBGDPL tại địa phương. Nội dung, hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng phù hợp với từng nhóm đối tượng. Từ năm 2017 - 2021, các cơ quan chức năng đã tổ chức trên 3.500 hội nghị trực tiếp quán triệt, tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật với gần 280 nghìn người tham dự; hàng vạn tin, bài, phóng sự, phim tài liệu, tiểu phẩm truyền hình, phát thanh... được tuyên truyền, quảng bá sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương và địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống mạng lưới phát thanh, truyền thanh, tủ sách và phòng đọc cơ sở...
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2017 -2021, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp với các lực lượng liên quan tổ chức gần 2.500 buổi tuyên truyền, PBGDPL cho trên 132 nghìn lượt cán bộ, Nhân dân khu vực biên giới. Việc thực hiện, triển khai Đề án đã góp phần nâng cao kiến thức, kỹ năng PBGDPL cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền trên địa bàn. Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; nhất là trong điều kiện thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị, vừa phòng chống dịch Covid-19 đã có những cách làm sáng tạo như tuyên truyền PBGDPL trên hệ thống mạng xã hội: Zalo, Facebook...
Hội nghị đã thảo luận, thống nhất đánh giá: Qua gần 5 năm thực hiện Đề án đã hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra. Hoạt động tuyên truyền, PBGDPL đã thực sự trở thành cầu nối, phương tiện hữu hiệu đưa pháp luật vào cuộc sống. Tỷ lệ vi phạm pháp luật hàng năm giảm, một số địa phương giảm rõ rệt như: Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hải Phòng... Đề án góp phần củng cố niềm tin vững chắc vào sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của Nhân dân vùng biên giới, hải đảo; góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, kiềm chế tội phạm.