Chuyện trợ giúp pháp lý cho người nghèo

07:30 - Thứ Bảy, 29/01/2022 Lượt xem: 10494 In bài viết

ĐBP - Những ngày cuối năm, thời gian như trôi nhanh hơn, nhịp sống cũng trở nên vội vã hơn. Song với những người làm công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nghèo thì vẫn vậy, họ trăn trở, suy nghĩ, nghiên cứu vụ việc; trấn an tâm lý, động viên tinh thần cho người được trợ giúp… Ông Đỗ Xuân Toán, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên tâm sự về nghề rằng: “TGPL, bên cạnh những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ thì sự cống hiến, tận tụy luôn là sợi chỉ xuyên suốt quá trình hoạt động; chúng tôi lo cùng nỗi lo của người có quyền lợi bị xâm phạm, vui cùng niềm vui sau mỗi lần bảo vệ được quyền lợi của người yếu thế”.

Trợ giúp viên Chi nhánh TGPL số 3 huyện Mường Ảng tư vấn pháp luật cho người dân.

Nhớ lại một vụ án mà bị cáo là nàng dâu và mẹ chồng đều không biết chữ. Đó là Ly Thị Thùa (50 tuổi) ở bản Lầu Câu Phình, xã Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) và mẹ chồng đã ngoài 80 tuổi. Chồng Ly Thị Thùa đã chết, các con đều xây dựng gia đình và ở riêng, Ly Thị Thùa một mình nuôi mẹ chồng. Thấy bà thường xuyên ốm đau, uống thuốc không khỏi, chị Thùa đã mua chất ma túy về với mục đích chữa bệnh cho bà. Cơ quan chức năng phát hiện và khởi tố về tội tàng trữ trái phép chất ma túy. Suốt thời gian diễn ra phiên tòa, hai mẹ con cùng khóc nghẹn, không biết hành vi đó là vi phạm pháp luật. Sau khi nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, hoàn cảnh, động cơ, nguyên nhân phạm tội, với tư cách là người bào chữa cho Ly Thị Thùa, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL tỉnh đề nghị hội đồng xét xử xem xét cho các bị cáo hưởng mức thấp nhất của khung hình phạt, miễn hình phạt bổ sung, miễn án phí hình sự sơ thẩm và đã được hội đồng xét xử chấp nhận.

Hay vụ ly hôn của cặp vợ chồng tại thôn Tủa Thàng, xã Tủa Thàng (huyện Tủa Chùa) cũng để lại cho các trợ giúp viên trăn trở về sự thiếu hiểu biết và sự hồn nhiên của họ. Nguyên đơn là người vợ sinh năm 1977, hai vợ chồng có 3 người con chung. Tại phiên tòa dân sự, người chồng kiên quyết không đồng ý ly hôn vì cho rằng đã mất nhiều tiền của, trâu, bò mới lấy được cô vợ này, nếu tòa giải quyết thì phải “đền cho tôi một người vợ khác”, còn không sẽ không đồng ý. Đối với những vụ việc như thế này, đòi hỏi trợ giúp viên pháp lý bên cạnh trách nhiệm, chuyên môn nghề nghiệp còn cần sự hiểu biết văn hóa, phong tục của người dân thì mới hoàn thành nhiệm vụ.

Tỉnh ta có tỷ lệ người thuộc diện được TGPL chiếm trên 80% dân số, chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trong đó người có khó khăn về tài chính chiếm số lượng lớn. Tuy nhiên lực lượng trợ giúp viên pháp lý còn rất mỏng, chưa thể đáp ứng nhu cầu. Đây là điều mà những người làm công tác TGPL trăn trở. Trong năm 2021, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Điện Biên thụ lý 1.038 vụ việc cho 1.038 lượt người có đơn yêu cầu TGPL. Các đối tượng chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, người có công với cách mạng.

Không chỉ TGPL miễn phí cho người dân trên các lĩnh vực, tham gia tố tụng trong các vụ án dân sự, trợ giúp viên pháp lý còn tham gia vào rất nhiều vụ án hình sự trong vai trò người bào chữa cho bị cáo, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật.

Mai Khôi
Bình luận
Back To Top