Thời gian vừa qua, tình trạng buôn lậu vàng tại các tỉnh biên giới diễn biến phức tạp, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có biện pháp kịp thời để ngăn chặn hành vi này.
Giữa tháng 1/2022, lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh An Giang bắt quả tang và tạm giữ hình sự các đối tượng Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1965, trú tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang), Trang Kiến Cường (sinh năm 1976, trú tại TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) khi cả hai đang có hành vi mua bán vàng nhập lậu từ nước ngoài. Thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp tiệm vàng Phước Quang (TP Long Xuyên) cùng hai địa điểm liên quan các đối tượng Bình và Cường, công an thu giữ khoảng 15 kg vàng nữ trang, hơn 2,1 triệu USD, một số ngoại tệ khác và 25 tỷ đồng.
Đây là một trong rất nhiều vụ buôn lậu vàng bị cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian qua. Qua các vụ việc, có thể thấy, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với giá vàng thế giới. Vàng cũng là hàng hóa có giá trị cao, dễ cất giấu và vận chuyển, đồng thời buôn lậu vàng sẽ trốn được các loại thuế của Nhà nước. Vì thế, các đối tượng đã dùng mọi thủ đoạn để buôn lậu vàng qua biên giới. Chúng thường tổ chức thành đường dây chặt chẽ, kết nối với các đối tượng ở khu vực biên giới, trong nước và nước ngoài để vận chuyển thông qua các phương tiện chuyên chở hàng hóa, nông sản... Không ít người ngụy trang cất giấu vàng trong hành lý, hàng hóa trên các phương tiện vận chuyển hành khách,…
Theo luật sư Trần Anh Tuấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), buôn lậu vàng là hành vi vi phạm pháp luật tương tự như tội buôn lậu các mặt hàng khác. Hành vi buôn lậu vàng là hành vi đưa vàng vào tiêu thụ ở thị trường trong nước hoặc ngược lại mà không thông qua con đường chính ngạch theo quy định của pháp luật. Theo pháp luật hiện hành, điều kiện để nhập khẩu vàng rất chặt chẽ, vì đây là mặt hàng tác động lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô của quốc gia.
Theo Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ cho doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ. Thông tư số 38/2015/TT-NHNN ngày 31/12/2015 và Thông tư số 16/2012/TT-NHNN ngày 25/5/2012 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng quy định, để nhập khẩu vàng, ngoài việc có giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp, doanh nghiệp phải có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu phù hợp kế hoạch sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, quy định của pháp luật về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường trong thời hạn 12 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp và cho đến thời điểm cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu; có vốn pháp định ít nhất là 5 tỷ đồng…
Để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tình trạng buôn lậu vàng, các cơ quan chức năng như hải quan, bộ đội biên phòng cần tích cực, chủ động kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu; tăng cường đầu tư máy móc hiện đại, lắp đặt tại cửa khẩu để soi chiếu hàng hóa; tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, giám sát tại các địa điểm kiểm tra, nơi tập kết hàng hóa; giám sát các kho chứa hàng hóa; đẩy mạnh giám sát cơ động; chủ động phối hợp thu thập thông tin, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực đường mòn lối mở biên giới.
Tuyên truyền, giáo dục cho người dân các quy định của pháp luật trong công tác chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn các đơn vị phụ trách. Từ đó, vận động người dân kiên quyết không tiếp tay hay tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, tích cực phát hiện, tố giác tội phạm...