Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp

08:46 - Thứ Hai, 21/02/2022 Lượt xem: 6620 In bài viết

ĐBP - Năm 2021, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp cả về số vụ và số người phạm tội. Số vụ án khởi tố mới tăng 106 vụ, 71 bị can so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, tội phạm về ma túy chiếm tỷ lệ trên 79%. Trước tình hình đó, Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trên các lĩnh vực.

Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh tổ chức cuộc thi viết cáo trạng nhằm nâng cao năng lực kiểm sát viên, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

VKSND tỉnh đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là các giải pháp phòng, chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; không để xảy ra trường hợp nào đình chỉ điều tra do bị can không phạm tội, tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội phải bồi thường. Chất lượng giải quyết các vụ án hình sự, trách nhiệm công tố trong giai đoạn điều tra có chuyển biến tích cực; việc xét hỏi, tranh luận của kiểm sát viên tại các phiên tòa được tăng cường. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế trong hoạt động tư pháp.

Ông Phan Văn Kỷ, Viện trưởng VKSND tỉnh cho biết: Năm 2021, VKSND hai cấp (tỉnh và huyện) đã thụ lý 468 tố giác, tin báo về tội phạm, qua đó đã đề ra 464 yêu cầu kiểm tra, xác minh nguồn tin. Đồng thời ban hành 22 kiến nghị yêu cầu cơ quan điều tra khắc phục vi phạm, 2 kiến nghị phòng ngừa vi phạm, tội phạm và được chấp nhận 100%. Trong thực hành quyền công tố kiểm sát điều tra vụ án hình sự đã chỉ đạo VKSND hai cấp thực hiện tốt chỉ thị của VKSND Tối cao về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra và tăng cường các biện pháp phòng, chống oan sai. Thực hiện kiểm sát chặt chẽ các vụ án mới khởi tố, nêu cao trách nhiệm của lãnh đạo VKSND trong việc xem xét, quyết định, phê chuẩn các quyết định tố tụng thuộc thẩm quyền; trực tiếp nghiên cứu hồ sơ các vụ việc phức tạp trước khi ký phê chuẩn. Thực hiện hỏi cung có ghi âm, ghi hình đối với các vụ án theo quy định; nâng cao chất lượng kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án, kiểm sát chặt chẽ các vụ án, bị can tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra.

Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra vụ án hình sự, trong năm qua VKSND tỉnh đã thụ lý kiểm sát điều tra 1.315 vụ với 1.503 bị can; đồng thời không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp 1 người; hủy bỏ quyết định tạm giữ 7 người.

Gắn chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trong thực hiện cải cách tư pháp, một trong những nội dung công tác cải cách tư pháp được VKSND tỉnh chú trọng là tổ chức các cuộc thi về nghiệp vụ, học tập chuyên đề nghiệp vụ để nâng cao chất lượng các bản cáo trạng, luận tội yêu cầu điều tra. Thực hiện việc số hóa hồ sơ và trình chiếu chứng cứ tại phiên tòa; tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm. Việc chọn các vụ án để tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm được thực hiện từ giai đoạn điều tra, trong đó VKSND có trách nhiệm chủ động phối hợp, họp bàn với cơ quan điều tra và tòa án thống nhất lựa chọn vụ án để tổ chức phiên tòa. Kết quả VKSND 2 cấp đã tổ chức được 222 phiên tòa rút kinh nghiệm, trong đó 15 phiên tòa rút kinh nghiệm được tổ chức trực tuyến, 5 phiên tòa giả định. Các phiên tòa đều cơ bản đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

Nhờ thực hiện các giải pháp đồng bộ, năm 2021 VKSND hai cấp đã kịp thời phát hiện vi phạm và ban hành 202 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm, thiếu sót, sơ hở trong hoạt động tư pháp và công tác quản lý ở một số lĩnh vực, 8 kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm; các phòng nghiệp vụ VKSND tỉnh đã ban hành 37 thông báo rút kinh nghiệm trên các lĩnh vực.

Bài ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top