Vì bình yên cuộc sống

Cảnh giác hành vi lừa đảo bằng công nghệ thông tin

15:44 - Thứ Tư, 23/02/2022 Lượt xem: 7132 In bài viết

Thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, mọi giao dịch, trao đổi thông tin, mua bán của người dân đều chủ yếu thông qua mạng xã hội và điện thoại. Lợi dụng điều này, nhiều đối tượng sử dụng các chiêu trò lừa đảo bằng công nghệ thông tin khiến nhiều người sập bẫy.

Đối tượng Võ Văn Huy bị bắt sau khi lừa đảo nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của nạn nhân thông qua một đường link làm giả hóa đơn chuyển tiền quốc tế. (Ảnh Bộ Công An)

Cuối tháng 7/2021, Công an quận Đống Đa (Hà Nội) đã bắt tạm giam Võ Văn Huy (sinh năm 1999, trú xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị), về tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử chiếm đoạt tài sản.

Nhận link lạ, mất hàng trăm triệu

Theo tài liệu điều tra, Công an quận Đống Đa nhận được đơn trình báo của bà V.T (ở quận Đống Đa), về việc bị một đối tượng chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng trong tài khoản ngân hàng. Qua xác minh, công an làm rõ, nguyên nhân xuất phát từ việc bà T đăng ảnh bức tranh lên mạng để rao bán và có đối tượng nhắn tin hỏi mua tranh nhưng do đang ở nước ngoài cho nên đề nghị được chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng cho bà T. Tin lời đối tượng, bà T đồng ý, cung cấp cho người mua tranh số tài khoản ngân hàng và được đối tượng gửi cho một đường dẫn (link), hướng dẫn đăng nhập thông tin tài khoản để nhận tiền bán tranh. Tuy nhiên, thực chất link này nhằm đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng của bà T. Sau khi người phụ nữ nhập tài khoản và mật khẩu ngân hàng, cũng là lúc đối tượng lấy được thông tin để đăng nhập và phát hiện trong tài khoản tiết kiệm online có 650 triệu đồng cho nên đã thực hiện giao dịch tất toán tiết kiệm, chuyển 300 triệu đồng sang tài khoản của mình. Chính lúc này, bà T nhận được tin nhắn điện thoại báo tài khoản bị trừ 300 triệu đồng.

Quá trình điều tra, cơ quan công an đã bắt giữ được đối tượng Huy là thủ phạm gây án. Tại cơ quan điều tra, Huy khai nhận, do có kiến thức về công nghệ thông tin, đối tượng vào các trang bán hàng để tìm người rao bán tranh. Sau đó giả vờ gửi ảnh tranh cho người bán để hỏi mua. Khi người bán đồng ý với việc nhận tiền từ nước ngoài qua tài khoản ngân hàng, đối tượng sẽ gửi cho "con mồi" link làm giả hóa đơn chuyển tiền để lừa đảo. Theo điều tra viên của vụ án, thủ đoạn của Huy rất tinh vi và là chiêu trò mới, đối tượng đã sử dụng website giả tên miền của website chuyên về chuyển tiền quốc tế. Sau đó yêu cầu bị hại nhập số tài khoản ngân hàng và mã OTP để đánh cắp thông tin. Bởi vậy, theo cơ quan công an, đối với việc mua bán trên mạng xã hội, người dân cần thận trọng với các đường dẫn người khác gửi cho mình. Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, vì đây là "bức tường" bảo mật cuối cùng để bảo vệ tài khoản ngân hàng.

Vay tiền "online" nhận "quả đắng"

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc giãn cách xã hội diễn ra dài ngày, cho nên nhiều người rơi vào cảnh khó khăn. Không ít người dân đã chọn cách vay tiền "online" thông qua các lời chào mời trên mạng xã hội. Tuy nhiên, nhiều người dân đã không vay được tiền lại nhận thêm "quả đắng" khi bị lừa đảo mất thêm tiền. Điển hình là trường hợp của chị N.T.A, sinh năm 1984, trú quận Tây Hồ (Hà Nội), thông qua mạng xã hội, chị N.T.A được một đối tượng có tên N.V.P chào mời vay tiền online. Thủ tục đối tượng đưa ra cho chị N.T.A cực kỳ đơn giản, chỉ cần gửi hai mặt của chứng minh nhân dân, hoặc căn cước công dân, một ảnh chân dung, số điện thoại và số tài khoản để nhận tiền giải ngân. Thấy việc dễ dàng, chị N.T.A đã nhờ đối tượng N.V.P làm hồ sơ cho mình vay 100 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi làm xong hồ sơ, đối tượng N.V.P nhiều lần yêu cầu chị N.T.A gửi tiền cho mình với lý do "phí hoa hồng" làm hồ sơ. Tổng cộng chị N.T.A đã gửi cho đối tượng P hơn 12 triệu đồng. Sau khi nhận số tiền nêu trên, đối tượng N.V.P đã cắt đứt liên lạc với chị N.T.A. Biết bị lừa, chị N.T.A đã làm đơn tố cáo đến Công an quận Tây Hồ. Trường hợp của chị N.T.A chỉ là một trong rất nhiều trường hợp bị lừa khi vay tiền online.

Trên các trang mạng xã hội trong những ngày giãn cách xã hội xuất hiện rất nhiều các bài viết kêu cứu vì bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự. Thực tế, qua quá trình đấu tranh, cơ quan công an đã triệt phá các ổ nhóm thực hiện hành vi lừa đảo bằng hình thức cho vay tiền thông qua mạng xã hội. Tại địa bàn thị xã Hương Trà, Công an tỉnh Thừa Thiên Huế đã phá thành công chuyên án 121L bắt giữ hàng chục đối tượng có hành vi sử dụng mạng máy tính viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhóm này sử dụng Facebook ảo vào các nhóm vay tiền trên Facebook giả mạo là công ty tài chính để đăng bài cho vay tiền. Sau khi người có nhu cầu vay liên hệ, các đối tượng yêu cầu bị hại cung cấp chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu và số điện thoại. Lấy được thông tin, nhóm đối tượng này giả giọng miền bắc gọi điện và yêu cầu bị hại chuyển trước tiền để thực hiện các thủ tục cho vay rồi chiếm đoạt. Theo cơ quan công an, người dân cần nâng cao cảnh giác khi vay tiền online qua các mạng xã hội hoặc từ những người gọi điện thoại hỗ trợ cho vay... Khi cần vay tiền thì người dân nên trực tiếp đến các ngân hàng uy tín để được tư vấn hồ sơ vay vốn. Nếu phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo dưới hình thức cho vay vốn với lãi suất thấp, yêu cầu nộp các khoản phí để hoàn tất thủ tục thì nhanh chóng báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời ngăn chặn, xử lý.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận

Tin khác

Back To Top