Đánh sập nhiều đường dây “tín dụng đen”

15:01 - Thứ Sáu, 25/02/2022 Lượt xem: 6819 In bài viết

Bằng các mánh khóe trong việc cho vay, các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sẽ tung các chiêu trò để dụ dỗ người dân “sập bẫy”. Tại Quảng Bình, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã liên tục triệt phá những đường dây tín dụng đen, lãi suất cho vay lên đến hàng trăm phần trăm một năm.

Khám xét chỗ ở của đối tượng cho vay lãi nặng.

Gần đây nhất là đầu tháng 1 năm 2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình đã tạm giữ hình sự Nguyễn Thị Cẩm Nhung, SN 1984, thường trú tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới và Trương Thị Lệ Hằng, SN 1975, trú tại phường Quảng Thọ, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình để điều tra về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Quá trình đấu tranh, đã làm rõ đường dây cho vay nặng lãi này có 8 đối tượng liên quan trong và ngoài tỉnh. Từ năm 2018 đến nay, các đối tượng đã thực hiện hơn 500 lượt người tại TP Đồng Hới, Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn vay tiền - tổng số tiền giao dịch 5 tỉ đồng với mức lãi suất “cắt cổ”.

Thiếu tá Lê Minh Thanh, Phó Đội trưởng Đội Nghiệp vụ cơ bản, Phòng CSHS Công an tỉnh Quảng Bình cho biết: Các đối tượng cho vay với lãi suất từ 120% đến 700% trên năm. Khi người vay không có khả năng trả lãi và gốc thì các đối tượng dùng các thủ đoạn đe dọa, khủng bố tinh thần nhằm thu tiền lãi, tiền gốc. Cá biệt có nhiều người phải chuyển nhượng cả quầy, quán kinh doanh cho các đối tượng.

Theo số liệu thống kê, đến hết năm 2021, tại Quảng Bình, cơ quan Công an đã khởi tố 11 vụ với 21 bị can liên quan đến hành vi cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng trong khi đó, tác động của dịch bệnh, kinh tế khó khăn, các đối tượng cho vay tín dụng đen lợi dụng tình hình quay trở lại hoạt động. Ngoài việc phát tán, rải tờ rơi, các đối tượng chuyển hướng sử dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội để tiếp cận người đi vay.

Theo Thượng tá Dương Kim Tư, Phó trưởng Phòng CSHS, Công an tỉnh Quảng Bình thì các đối tượng thường cho vay tín chấp, một số đối tượng hoạt động cho vay qua mạng Internet, sử dụng những hình ảnh nhạy cảm của chị em phụ nữ để khống chế, đòi nợ. Khi người vay không có tiền trả các đối tượng dọa sẽ tung hình ảnh lên mạng xã hội và gửi cho người thân, bạn bè của người vay…

Theo Đại tá Nguyễn Tiến Hoàng Anh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Quảng Bình, cho biết: Hiện nay, có hướng dẫn 105 của Tòa án nhân dân Tối cao. Vì thế việc xử lý cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có nhiều thuận lợi hơn. Nếu như trước đây, cơ quan chức năng làm rõ được việc thu lợi bất chính trên 30 triệu mới xử lý hình sự, bây giờ những lần cho vay nặng lãi chưa đủ 30 triệu nhưng cộng lại nhiều lần trên 30 triệu vẫn xử lý theo qui định của pháp luật…

Có thể nói, “tín dụng đen” là một trong những nguyên nhân gây ra các hành vi phạm tội. Từ việc đòi nợ và việc bị đòi nợ - nguyên nhân từ hoạt động “tín dụng đen” và giao dịch vay mượn thông thường, rất dễ phát sinh các hành vi phạm tội như cưỡng đoạt tài sản, hủy hoại tài sản, cố ý gây thương tích... Vì vậy, cùng với nỗ lực của lực lượng chức năng trong việc điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng cho vay lãi nặng, mỗi người dân phải nâng cao cảnh giác, điều chỉnh kế hoạch tài chính thích hợp, nếu có nhu cầu vay tiền thì tìm đến ngân hàng hay các tổ chức tài chính được phép hoạt động của Nhà nước, tránh vướng vào bẫy của “tín dụng đen”.

P.V (theo CAND)
Bình luận
Back To Top