Nâng cao chất lượng công tác hòa giải, đối thoại tại tòa án

08:26 - Thứ Tư, 23/03/2022 Lượt xem: 5832 In bài viết

ĐBP - Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực thi hành từ tháng 1/2021 với các quy định được thể chế hóa, huy động nguồn nhân lực có kiến thức và kinh nghiệm trong xã hội tham gia, phối hợp cùng tòa án tiến hành hòa giải, đối thoại để giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. Để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Một phiên hòa giải của Tòa án nhân dân tỉnh.

Ông Phạm Văn Nam, Chánh án TAND tỉnh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của TAND Tối cao, Ban cán sự Đảng TAND tỉnh chủ động đề xuất với Ban chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh bổ sung nội dung triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án vào Chương trình nhiệm vụ trọng tâm của năm. Đồng thời Ban cán sự Đảng chỉ đạo TAND hai cấp tổ chức triển khai, thực hiện các quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án ngay khi luật có hiệu lực thi hành; tổ chức quán triệt Luật và các văn bản quy định chi tiết thi hành đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của ngành Tòa án.

Nhằm đảm bảo việc tuyên truyền, phổ biến hiệu quả, TAND hai cấp quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức nghiên cứu quy định, tham gia các buổi tập huấn trực tuyến về hòa giải, đối thoại do TAND Tối cao tổ chức để nắm vững quy trình, thủ tục hòa giải, đối thoại. Tiến hành thông báo, tiếp nhận hồ sơ đề nghị của người có nguyện vọng, đối chiếu điều kiện về tiêu chuẩn năng lực, kinh nghiệm và kỹ năng hòa giải, lập danh sách để thực hiện việc bổ nhiệm Hòa giải viên.

Hiện nay TAND hai cấp trong tỉnh có 31 hòa giải viên. Theo số lượng định biên là 33 hòa giải viên, tuy nhiên do các đơn vị không có nguồn tuyển chọn nên còn thiếu 2 hòa giải viên. Tỷ lệ vụ việc đã hòa giải thành, đối thoại thành trên tổng số vụ việc đã chuyển sang hòa giải, đối thoại tại tòa án là 21/38 vụ việc (đạt trên 55%), trong đó có 12/21 vụ việc dân sự, 9 vụ việc về hôn nhân và gia đình.

Cũng theo ông Phạm Văn Nam, để triển khai, thực hiện tốt hơn nữa Luật Hòa giải tại tòa án, TAND hai cấp tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến trên các kênh thông tin đại chúng giúp người dân hiểu rõ hơn ý nghĩa nhân văn của việc hòa giải, đối thoại. Qua đó góp phần đưa Luật Hòa giải tại tòa án thực sự đi vào cuộc sống, trở thành phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp tốt nhất, hiệu quả nhất trong đời sống, xã hội. Đặc biệt, tiếp tục lựa chọn, đề xuất người đáp ứng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm hòa giải viên, nhất là người có uy tín trong cộng đồng dân cư, người có kinh nghiệm trong cuộc sống, hiểu biết quy định của pháp luật để tập huấn, bồi dưỡng, bổ nhiệm làm hòa giải viên. Đồng thời TAND hai cấp thường xuyên trao đổi nghiệp vụ để tạo điều kiện cho thẩm phán, thư ký, hòa giải viên nắm chắc các quy định pháp luật; đặc biệt là kỹ năng hòa giải các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính. TAND tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, kiểm tra đối với cấp huyện trong việc triển khai, thực hiện Luật Hòa giải tại tòa án để kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót, nâng cao chất lượng hòa giải, đối thoại cũng như đảm bảo tiến độ công tác triển khai thi hành Luật. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá, biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các đơn vị, thẩm phán, hòa giải viên có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời có hình thức xử lý trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân vi phạm trong hoạt động hòa giải, đối thoại.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top