“Săn” nhầm người - bài học nhận thức

10:04 - Chủ Nhật, 27/03/2022 Lượt xem: 7306 In bài viết

ĐBP - Trong năm 2020, 2021 trên địa bàn các huyện: Điện Biên, Nậm Pồ... xảy ra nhiều vụ án hình sự “vô ý làm chết người” do tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí tự chế để săn bắn khiến người dân và gia đình các nạn nhân không khỏi bàng hoàng, xót xa. Đa phần nạn nhân và bị cáo đều có mối quan hệ ruột thịt, họ hàng, bạn bè thân thiết, chí ít cũng là người cùng bản.

Cụ thể: Vụ án xảy ra tại huyện Điện Biên vào đầu năm 2020, trong chuyến đi săn lợn rừng định mệnh bằng súng kíp tại xã Phu Luông, anh Lò Văn T. đã vô tình bắn phải cậu ruột. Điều đáng nói trước đó chính nạn nhân là người đã tự chế súng kíp để tặng cho T. Tháng 4/2020, khi cùng bạn đi săn thú rừng, kiếm mật ong tại khu vực rừng Pe Luông, xã Thanh Luông, huyện Điện Biên, anh Sùng A C. đã bị trúng đạn, mất mạng. Vào tháng 5/2020, khi đi săn lợn rừng tại khu vực biên giới thuộc xã Si Pa Phìn, huyện Nậm Pồ, ông Cháng A V. đã vô tình bắn chết con trai ruột. Gần đây nhất, vào tháng 11/2021, khi đi săn tại khu vực rừng thuộc bản Trạm Púng, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé; do nghe thấy tiếng gà rừng và quan sát thấy tiếng động trong bụi cây anh Thào A D. nghĩ rằng là gà rừng nên đã vô tình bắn chết anh Liều A G…

Lò Văn T. nghe tòa tuyên án.

Nhận được đơn yêu cầu trợ giúp pháp lý (TGPL), xác định người yêu cầu TGPL đều thuộc diện được trợ giúp, Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh Điện Biên đã cử các luật sư, trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng để bào chữa cho người bị truy cứu trách nhiệm hình sự các vụ án gây chết người nói trên; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người đại diện hợp pháp của bị hại. Nhìn chung, các bị cáo đều có hoàn cảnh khó khăn, có nhân thân tốt và nơi cư trú ổn định; có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như: Thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; tự nguyện bồi thường, khắc phục hậu quả, đầu thú, tự thú, được người đại diện hợp pháp của bị hại xin giảm nhẹ hình phạt; quan điểm bào chữa của người thực hiện TGPL hầu hết được cơ quan tiến hành tố tụng ghi nhận, người bị buộc tội đều được hội đồng xét xử tuyên phạt tù, cho hưởng án treo, mức hình phạt thấu tình đạt lý, phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội, cũng như các tình tiết giảm nhẹ hình sự; đảm bảo tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, ngoài những chế tài do pháp luật quy định bằng những bản án hình sự, bản án nặng nề nhất đối với các bị cáo đó chính là bản án lương tâm, là nỗi day dứt khi chứng kiến nỗi đau thể xác của các bị hại, nỗi đau tinh thần của người nhà nạn nhân. Thiệt hại về kinh tế khi nạn nhân đều là lao động chính, chủ lực về kinh tế trong gia đình; bởi làm chết người là lỗi vô ý, nằm ngoài ý thức chủ quan của người đi săn nhưng tàng trữ, sử dụng trái phép súng tự chế để săn bắn động vật rừng là hành vi vi phạm pháp luật được thực hiện bằng ý thức chủ quan.

Dẫu biết rằng với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao sinh sống chủ yếu bằng nghề làm nương, việc tìm kiếm các lâm sản phụ hay đi săn bẫy thú rừng vào những ngày nông nhàn là biện pháp để gia tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Song người dân cũng cần phải có ý thức chấp hành nghiêm chỉnh quy định pháp luật về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản; ý thức được những rủi ro, tiềm ẩn khi sử dụng các công cụ săn bắt tự chế như chông, bẫy, súng kíp, súng hơi, để không còn xảy ra những chuyến săn định mệnh. Qua đó cũng là bài học cho người dân về nâng cao ý thức chấp hành pháp luật.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Thu Huyền

(Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh)

Bình luận

Tin khác

Back To Top