Báo tin giả, sai sự thật tại cơ quan công an

14:08 - Thứ Tư, 06/04/2022 Lượt xem: 6481 In bài viết

Thời gian qua, tại nhiều địa phương, không ít vụ việc khai báo tin giả, không đúng sự thật tại cơ quan công an bị phát hiện, xử lý. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội cần bị xử lý nghiêm.

Một đối tượng trình báo sai sự thật, tạo hiện trường giả bị cơ quan Công an tỉnh Quảng Bình phát hiện. (Ảnh: Thanh Hiếu)

Ngày 5/3, Công an huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh làm rõ sự việc người phụ nữ trình báo bị cướp tài sản, tạo hiện trường giả nhằm che giấu việc nợ nần của bản thân. Trước đó, chị Lê Thị Giang (trú tại huyện Quảng Ninh) trình báo về việc trên đường về nhà bị hai người đi xe máy chặn lại dùng dao khống chế và cướp một lượng lớn tiền và tài sản rồi tẩu thoát. Qua xác minh, cơ quan điều tra xác định có dấu hiệu bất thường giữa lời khai bị hại và hiện trường xảy ra vụ việc. Với những chứng cứ mà cơ quan công an đã thu thập được, chị Giang phải thừa nhận hành vi gian dối là đã tạo hiện trường giả để che giấu việc nợ nần của bản thân.

Trước đó, ngày 22/1, Ủy ban nhân dân phường 2 (thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh) đã ra quyết định xử phạt Mai Tấn Kiệt (SN 1996, trú tại phường 2) 2,5 triệu đồng về hành vi “Báo tin giả, không đúng sự thật đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền”. Trước đó, Kiệt đến cơ quan công an trình báo việc bị cướp tiền trên đường về nhà. Qua công tác thu thập thông tin, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an xác định Kiệt báo tin giả. Kiệt thừa nhận do tiêu xài hết số tiền của gia đình, lo sợ bị phát hiện nên báo tin giả bị cướp tài sản.

Qua các vụ việc nêu trên có thể thấy đã xuất hiện nhiều trường hợp người dân báo tin giả, trình báo sai sự thật với công an. Hầu hết sự việc, người báo tin giả có mục đích trốn tránh trách nhiệm pháp lý hoặc muốn lấy tiền của người nhà cho nên báo tin bị trộm, cướp tài sản, báo cháy để che đậy việc làm mất, chiếm đoạt tài sản. Hành vi này ít nhiều gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi phải tốn nhiều thời gian, công sức để tiến hành xác minh, điều tra vụ việc.

Theo Thiếu tá Trần Thế Chung (Đội trưởng Hình sự, Công an huyện Hương Khê, Công an tỉnh Hà Tĩnh), hiện nay, một số người vẫn nghĩ rằng báo tin giả sẽ không bị xử lý nên đã khai báo không đúng sự thật. Nhiều trường hợp người trình báo còn không nhận thức được hành vi đó là vi phạm pháp luật và không ý thức được sự nghiêm trọng của hành vi này. Thực tế, hành vi này gây ra rất nhiều tác hại, không chỉ làm mất thời gian, công sức điều tra của cơ quan chức năng mà còn khiến dư luận hoang mang, ảnh hưởng tình hình an ninh trật tự địa phương. Trong các vụ báo tin giả, trình báo sai sự thật, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an sẽ dễ dàng phát hiện. Đến khi đó, người tung tin giả bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi báo tin giả đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ bị xử lý hành chính. Cụ thể, theo Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội..., hành vi báo thông tin giả, không đúng sự thật đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Trường hợp báo cháy giả, báo tin sự cố, tai nạn giả mức phạt sẽ từ 4 triệu đồng đến 6 triệu đồng. Ngoài ra, người báo tin giả, sai sự thật còn có thể phải bồi thường nếu cơ quan chức năng có đủ căn cứ để xác định thiệt hại do hành vi này gây ra. Trong trường hợp báo tin giả nhằm thực hiện hoặc che giấu một hành vi phạm tội khác thì sẽ bị xử lý hình sự tương ứng.

P.V (theo Nhân dân)
Bình luận

Tin khác

Back To Top