Xử lý nghiêm các vi phạm về môi trường

08:24 - Thứ Tư, 13/04/2022 Lượt xem: 7620 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, tình hình vi phạm về môi trường đã được kiềm chế và kiểm soát, có chuyển biến tích cực, không xảy ra điểm nóng gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân, doanh nghiệp, tổ chức vì mục đích lợi nhuận đã vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Để ngăn ngừa tình trạng này, lực lượng chức năng đã chủ động triển khai nhiều phương án kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm về môi trường.

Các cơ sở chế biến dong riềng xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ tăng cường biện pháp đảm bảo môi trường trong sản xuất. Ảnh: C.T.V

Năm 2021, qua kết quả phân tích tại các điểm quan trắc môi trường (không khí, nước mặt) trên địa bàn tỉnh cho thấy chất lượng môi trường không khí, nước mặt còn tương đối tốt, các chỉ tiêu quan trắc đều đạt quy chuẩn cho phép. Tuy nhiên, số liệu phân tích qua các năm cho thấy các thông số ô nhiễm có xu hướng ngày càng tăng về nồng độ ô nhiễm, chất lượng môi trường nước mặt suy giảm hơn so với các năm trước. Một số mẫu phân tích cho thấy có dấu hiệu ô nhiễm về chỉ tiêu COD (ô nhiễm phân hủy sinh học và không phân hủy sinh học), BOD5 (ô nhiễm phân hủy sinh học), TSS (tổng chất rắn lơ lửng)… Nguyên nhân do sự phát triển của hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Cùng với đó, tình hình suy giảm diện tích rừng do chặt phá, cháy rừng.

Theo ông Cao Minh Chính, Phó phòng Quản lý môi trường và biến đổi khí hậu (Sở Tài nguyên và Môi trường), những năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về môi trường tiếp tục được hoàn thiện góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về môi trường. Công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường được chú trọng thực hiện. Cùng với đó, lực lượng chức năng tỉnh đã tăng cường phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vụ việc, cơ sở có dấu hiệu ô nhiễm; các điểm nóng về môi trường đã cơ bản được xử lý; công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quan tâm và nâng cao chất lượng. Các phong trào quần chúng nhân dân bảo vệ môi trường được phát động thường xuyên và duy trì.

Trong năm 2021, lực lượng chức năng gồm: Công an tỉnh; Chi cục Kiểm lâm tỉnh cùng các đơn vị có liên quan đã phát hiện 31 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó khởi tố 2 vụ hủy hoại rừng; phối hợp với các lực lượng chức năng hoàn thiện hồ sơ xử phạt hành chính 29/29 vụ với số tiền gần 874 triệu đồng. Qua thanh tra, kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng đã phát hiện 6 tổ chức có hành vi vi phạm về lĩnh vực môi trường, đất đai, khoáng sản. Ban hành 4 quyết định xử phạt vi phạm hành chính 4 tổ chức, với số tiền 33 triệu đồng; tham mưu cho UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 2 tổ chức vi phạm với số tiền 584 triệu đồng. Ngoài phạt hành chính, còn áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả. Điển hình, tháng 6/2021, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã ra quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng đối với Công ty TNHH Đầu tư công nghiệp Tây Bắc (trụ sở Đội 18, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên) do không lập hồ sơ quản lý chất thải nguy hại (không lập đăng ký chủ nguồn thải bằng báo cáo quản lý chất thải nguy hại gửi cơ cơ quan chức năng theo dõi và chấp thuận) theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.

Tuy nhiên, trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường còn nhiều khó khăn, hạn chế. Kinh phí đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, đặc biệt là xử lý ô nhiễm môi trường tại các cơ sở công ích... Sự tham gia, phối hợp của các ngành, chính quyền địa phương trong việc chủ động huy động nguồn vốn viện trợ, tài trợ quốc tế đầu tư cho bảo vệ môi trường và xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế. Cùng với đó, nhận thức về bảo vệ môi trường vẫn chưa thật sự tạo ra chuyển biến mới trong hành động về thực hiện tốt trong công tác bảo vệ môi trường của cộng đồng và các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Cở sở hạ tầng bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng theo quy định, hầu hết các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng được hệ thống xử lý nước thải tập trung do chưa có kinh phí đầu tư. Công tác quản lý môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản chưa triệt để, một số tổ chức chưa thực hiện hoàn nguyên cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác...

Để giảm thiểu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trên tất cả các lĩnh vực, thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, để từng người dân, cơ quan, doanh nghiệp nắm bắt, hiểu biết,  tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng mọi cách. Nâng cao chất lượng và thực hiện nghiêm túc quy trình lập, thẩm định, phê duyệt và xác nhận hoàn thành các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành đối với các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Quốc Huy
Bình luận

Tin khác

Back To Top