Sự cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động

08:52 - Thứ Bảy, 07/05/2022 Lượt xem: 5975 In bài viết

Dự án Luật Cảnh sát cơ động (CSCĐ) là một trong những dự án luật do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để xây dựng lực lượng CSCĐ chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Việc xây dựng dự án luật này xuất phát từ cơ sở chính trị và thực tiễn, để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng CSCĐ trong tình hình mới.

Thứ nhất, về cơ sở chính trị: Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh đối với lực lượng Công an nhân dân nói chung trong đó có Cảnh sát cơ động. Đặc biệt tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, XII của Đảng Cộng sản Việt Nam phần về tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đã xác định: “...Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng Hải quân, Phòng không, không quân, lực lượng An ninh, Tình báo, Cảnh sát cơ động”; Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII cũng tiếp tục xác định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng hải quân, phòng không - không quân, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, cảnh sát biển, tình báo, cơ yếu, an ninh, cảnh sát cơ động…”; Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 05/9/2019 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia xác định ưu tiên kinh phí, đầu tư trang bị phương tiện đảm bảo cho lực lượng Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên hiện đại. Ngày 31/3/2021, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 31/QĐ-TTg phê duyệt Đề án hiện đại hóa lực lượng Cảnh sát cơ động đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030. Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát cơ động là một bước quan trọng để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước nhằm xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Thứ hai, về cơ sở pháp lý: Tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013 đang quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát cơ động được thực hiện nhiều hoạt động liên quan tới hạn chế quyền con người, quyền công dân. Theo đó, Cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang (sử dụng sức mạnh thể chất và sức mạnh của vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại được trang bị) để đấu tranh chống khủng bố, trấn áp, giải quyết các vụ bạo loạn, biểu tình, tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự... trực tiếp tác động đến sức khỏe, tính mạng của các đối tượng phạm tội. Bên cạnh đó, để thực hiện nhiệm vụ trong những trường hợp cấp bách, Cảnh sát cơ động được quyền huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự, yêu cầu các cơ quan cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào chỗ ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức... Vì vậy, để đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013, các quy định trên cần thiết phải được thể hiện ở văn bản luật. 

Thứ ba, về cơ sở thực tiễn: Cảnh sát cơ động là lực lượng có tính chất đặc thù so với các lực lượng khác trong Công an nhân dân, với chức năng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Cảnh sát cơ động tác chiến theo đội hình, cơ động nhanh, đấu tranh vũ trang trực diện, xử lý những vụ việc, tình huống phức tạp mà nếu chỉ sử dụng biện pháp, lực lượng khác trong Công an nhân dân thì không giải quyết được. Đối tượng đấu tranh của Cảnh sát cơ động đa dạng, phức tạp, số lượng đông từ các băng, ổ nhóm, tội phạm hình sự, ma túy nguy hiểm có sử dụng các loại vũ khí nóng, đến các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự, biểu tình, bạo loạn. Hoạt động vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động có liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, đến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được dư luận trong nước và quốc tế quan tâm. Cảnh sát cơ động ở Trung ương và địa phương được tổ chức theo mô hình đơn vị vũ trang chiến đấu tập trung, quân số đông, được trang bị nhiều loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật đặc chủng, hiện đại như: Súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng đại liên, súng chống tăng, B40, B41, xe thiết giáp, chống đạn; tàu thủy, máy bay trực thăng... Bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là xung đột vũ trang, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố quốc tế, biểu tình, bạo loạn; các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia... tác động ảnh hưởng trực tiếp an ninh, trật tự tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Các thế lực thù địch từ bên ngoài tiếp tục câu kết các đối tượng phản động, cơ hội chính trị, cực đoan ở trong nước triệt để lợi dụng các vấn đề liên quan đến tranh chấp biển, đảo, khiếu kiện, đình công, lãn công và các vấn đề xã hội làm nảy sinh dư luận và bức xúc trong nhân dân để hoạt động chống phá Việt Nam. Các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm ma túy, hình sự, tội phạm sử dụng công nghệ cao; các vấn đề xã hội phát sinh do sự bùng phát và hậu quả của dịch bệnh Covid-19... vẫn là thách thức lớn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo đảm ANTT của Cảnh sát cơ động. Với tính chất đặc thù và yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đòi hỏi phải xây dựng các quy định ở tầm luật để điều chỉnh về hoạt động, tổ chức, trang bị, chế độ, chính sách của Cảnh sát cơ động. 

Mặt khác, qua hơn 8 năm triển khai thi hành Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được khắc phục và nâng lên ở tầm quy định của Luật như về nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền điều động, quan hệ phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ của Cảnh sát cơ động. 

Từ những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn nêu trên cho thấy việc xây dụng dự án Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV vừa qua, các vị đại biểu Quốc hội cũng nhất trí cao với sự cần thiết phải xây dựng và ban hành luật về Cảnh sát cơ động để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho tổ chức và hoạt động của lực lượng này nhằm bảo vệ an ninh, trật tự, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

P.V (bs)
Bình luận

Tin khác

Back To Top