Phát huy hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở

06:07 - Thứ Hai, 23/05/2022 Lượt xem: 5729 In bài viết

ĐBP - Ngay sau khi nhận được đơn đề nghị xem xét, giải quyết tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình bà Tòng Thị Binh với gia đình bà Tòng Thị Minh, UBND xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) đã thành lập hội đồng hòa giải để giải quyết. Trên cơ sở đối thoại có lý, có tình, mâu thuẫn giữa hai gia đình được tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, thỏa đáng. Theo đó, cả 2 gia đình thống nhất chia thửa đất đang tranh chấp thành 2 phần bằng nhau sau khi trừ diện tích lưu không hành lang lưới điện; đồng thời thống nhất chia theo mốc ranh giới thửa đất và lấy 3 điểm mốc thẳng hàng làm mốc giới giữa hai bên gia đình; các mốc giới đã được đóng cọc phân định rõ ràng trước sự chứng kiến của đại diện chính quyền.

Cán bộ tư pháp xã Pom Lót (huyện Điện Biên) giải quyết thủ tục hành chính kết hợp tuyên truyền Luật Hòa giải ở cơ sở cho người dân.

Hòa giải thành công góp phần giải quyết mâu thuẫn ngay tại cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự địa phương trong thời gian qua. Với đặc thù là tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, trình độ dân trí, nhận thức pháp luật của người dân, nhất là ở vùng sâu, xa chưa đồng đều. Do vậy, hầu hết đơn thư, khiếu nại của người dân đều xuất phát từ việc chưa nắm bắt đầy đủ những thông tin liên quan đến chính sách, pháp luật, nhất là lĩnh vực đất đai. Vì vậy, thời gian qua các địa phương xác định vai trò quan trọng của tổ hòa giải cơ sở, từ đó chú trọng củng cố, nâng cao chất lượng tổ hòa giải cơ sở. Đến nay, toàn tỉnh có 1.433 tổ hòa giải, với 7.820 hòa giải viên, hầu hết là người có uy tín, người hiểu biết pháp luật tham gia, như: Đại diện ban công tác mặt trận, trưởng bản, bí thư chi bộ, các chi hội nông dân, phụ nữ…

Các tổ hòa giải cơ sở đã phát huy vai trò tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, biện pháp. Khi có vụ việc xảy ra, các tổ hòa giải tập hợp các hòa giải viên cùng họp bàn, đưa ra giải pháp xử lý hiệu quả nhất; hướng dẫn, giúp đỡ các bên tự nguyện giải quyết với nhau trước sự chứng kiến của hòa giải viên, không để mâu thuẫn phát sinh gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Vận động nhân dân giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn trong gia đình, khu dân cư bằng biện pháp hoà giải; phát huy vai trò của những cá nhân có uy tín, có chuyên môn và nhiều kinh nghiệm hoà giải tham gia...

Với phương châm giải quyết dứt điểm từ cơ sở, không để “chuyện bé xé ra to” đã làm giảm các vi phạm pháp luật phát sinh liên quan đến các lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính... góp phần hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp. Từ năm 2021 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 1.349 vụ việc; trong đó hòa giải thành 1.049 vụ, hòa giải không thành 277 vụ, đang giải quyết 23 vụ. Nhờ phát huy vai trò của các tổ hòa giải đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức mỗi cá nhân về chấp hành pháp luật, gắn kết tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Qua đó, tạo tiền đề vững chắc trong việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, giữ gìn truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng xã hội.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở còn không ít khó khăn, bất cập. Một số nơi việc kiện toàn tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải còn chưa đồng đều, mang tính hình thức; năng lực hòa giải viên một số nơi nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu, ảnh hưởng đến kết quả hòa giải thành ở một số địa phương. Trong khi đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về hòa giải phải kiêm nhiệm nhiều việc; việc bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ hòa giải ở một số địa phương chưa được thực hiện thường xuyên… Để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo về công tác hòa giải ở cơ sở; chú trọng tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp, mặt trận trong công tác hòa giải ở cơ sở; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ hòa giải; cung cấp tài liệu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật, hội thi hòa giải viên giỏi, tuyên truyền viên pháp luật.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top