Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát phòng, chống ma túy, lực lượng Hải quan và đã chủ động phát hiện và đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án phức tạp liên quan đến ma tuý với số lượng lớn.
Qua các chuyên án cho thấy, các đối tượng tội phạm ma tuý sử dụng các thiết bị tiên tiến để giao dịch, vận chuyển ma túy, điều chế các chất ma túy mới… Đây là một trong những thách thức đặt ra với lực lượng chức năng trong đấu tranh với loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Tội phạm ma túy sử dụng công nghệ ngày càng tinh vi
Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), Việt Nam nằm gần khu vực "Tam giác vàng", một trong 3 khu vực trọng điểm về ma túy của thế giới nên tình hình tội phạm vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy qua biên giới Việt Nam thời gian qua luôn diễn biến phức tạp. Trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma tuý, thời gian qua, Hải quan Việt Nam đã tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong và ngoài ngành điều tra, xác minh, bắt giữ và xử lý nhiều vụ vận chuyển, mua bán trái phép ma túy.
Một trong những vụ điển hình liên quan đến vụ vận chuyển, mua bán trái phép ma túy từ Hà Lan qua Thẩm Quyến (Trung Quốc), sau đó vận chuyển về Việt Nam qua tuyến đường hàng không. Cụ thể, ngày 18/2/2022, tại đường Nguyễn Văn Cừ, phường Gia Thụy, quận Long Biên, Hà Nội, tổ công tác (Đội 5, Công an quận Long Biên; Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy và Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh thuộc Cục Hải quan Hà Nội) đã đấu tranh, bắt giữ đối tượng vi phạm.
Tang vật thu giữ 1 hình ảnh bằng giấy (bao gồm 500 tem nhỏ) khối lượng 8,4g có tẩm chất lcP-LSD hàm lượng 150mcg và nhiều tang vật liên quan khác. LcP-LSD là chất có tác dụng gây ảo giác tương tự chất ma túy LSD có trong "tem lưỡi". Trong vụ việc này, thủ đoạn của đối tượng là đặt mua số tem trên mạng và được bên bán đóng gói trong bì thư gửi từ Hà Lan về Việt Nam qua đường hàng không (theo loại hình bưu chính). Chất 1cP - LSD được phun, tẩm trên giấy thấm, có thể xé thành các tem nhỏ để sử dụng.
Theo đại diện lãnh đạo Đội Kiểm soát chống buôn lậu ma túy khu vực miền Bắc (Đội 5, Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan), tang vật trong vụ việc không lớn nhưng nguy hiểm ở chỗ đây là chất ma túy mới xâm nhập vào Việt Nam và phương thức, thủ đoạn của đối tượng hết sức tinh vi.
Trên thực tế, trong bối cảnh khoa học, công nghệ ngày càng phát triển, việc mua bán và gửi hàng qua mạng trở nên vô cùng thuận tiện, dễ dàng và phổ biến. Lợi dụng điều kiện thuận lợi của phương thức này, nhiều đối tượng tội phạm liên quan đến ma túy đã tập trung đẩy mạnh hoạt động mua bán qua mạng, đồng thời phát triển đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia thông qua lợi dụng các loại hình vận chuyển như chuyển phát nhanh, bưu chính quốc tế.
Theo các hình thức vận chuyển này, đối tượng thường áp dụng phương thức, thủ đoạn như sử dụng tên giả, địa chỉ giả, số điện thoại giả... khi làm thủ tục gửi, nhận hàng hóa. Khi hàng về Việt Nam, đối tượng thường thuê hoặc nhờ người đi nhận hàng; hoặc ủy thác cho công ty chuyển phát nhanh thay mặt làm thủ tục hải quan, sau đó giao hàng về địa chỉ được chỉ định. Những người được thuê, được nhờ nhận hàng không biết trong các kiện hàng có chứa ma túy, chỉ nghĩ đi nhận quà biếu...
"Ngoài ra, các đối tượng có thể theo dõi trên mạng internet hành trình vận chuyển của lô hàng (mỗi bưu kiện khi gửi được đại lý chuyển phát nhanh cấp 1 tài khoản để theo dõi). Khi hàng hóa không thông quan đúng theo thời gian quy định, các đối tượng thường bỏ hàng, cắt liên lạc. Vì vậy, việc bắt giữ và xử lý đối tượng phạm tội rất khó khăn. Đây là vấn đề đang được lực lượng Hải quan và các lực lượng chức năng chủ động, đồng thời phối hợp nghiên cứu, tìm giải pháp để đấu tranh, phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật", lãnh đạo Đội 5 chia sẻ.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), tội phạm ma túy sử dụng công nghệ để buôn ma túy ngày càng tinh vi, làm cho cuộc chiến chống tội phạm ma túy ngày càng trở nên khó khăn, phức tạp và quyết liệt hơn. Tội phạm này hoạt động ngày càng manh động, tinh vi, liều lĩnh, trang bị vũ khí nóng, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt.
Thêm nữa, quy mô các tổ chức tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở nước ta ngày càng lớn, tính chất phức tạp hơn. Số lượng và chủng loại các chất ma túy nhiều hơn, xuất hiện nhiều loại ma túy tổng hợp mới. Đối tượng tham gia phạm tội về ma túy đa dạng về thành phần, lứa tuổi và quốc tịch. Đáng lo ngại hơn, nhiều đối tượng đã và đang tìm cách sản xuất ma túy tổng hợp với số lượng lớn ngay tại trong nước. Tình trạng tội phạm ma túy tàng trữ vũ khí quân dụng và manh động chống trả lực lượng chức năng khi bị phát hiện, truy bắt đe dọa tính mạng cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ.
Không chỉ tuyến đường bộ và tuyến đường hàng không, thời gian qua, tuyến đường biển cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ diễn ra các hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma tuý. Đặc biệt, gần đây ma túy bị phát hiện được cất giấu, ngụy trang trong các thành vách giả, kiên cố bên trong phương tiện chuyên chở, container và các lô hàng cồng kềnh.
Theo Thượng tá Phan Quang Huy, Trưởng phòng Phòng, chống tội phạm ma túy (Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển), tại các địa bàn ven biển, tình trạng mua bán và sử dụng các loại ma túy tổng hợp diễn ra với xu hướng ngày càng gia tăng, phức tạp, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thống kê sơ bộ cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện và bắt giữ gần 100 vụ, với trên 120 đối tượng, thu giữ số lượng lớn ma túy. Điển hình như, ngày 26/4, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 phối hợp với lực lượng Công an đấu tranh thành công đường dây mua bán trái phép 12kg ma tuý tổng hợp; bắt giữ hai đối tượng gồm Đỗ Tiến Sơn, sinh năm 1991, trú tại xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc và Phạm Văn Long, sinh năm 1990, trú tại thôn Thúy Lâm, xã Thanh Sơn, huyện Thanh Hà, Hải Dương.
Phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa
Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Ổn cho biết, do tình hình buôn bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý gia tăng trên tất cả các tuyến đường; chủng loại ma tuý, phương thức thủ đoạn của các đối tượng tội phạm cũng đa dạng và tinh vi hơn rất nhiều so với trước kia, công tác kiểm soát ma túy của các lực lượng chức năng của Việt Nam nói chung và lực lượng kiểm soát chống buôn lậu của Hải quan Việt Nam nói riêng cần phải được chú trọng hơn nữa. Vì vậy, các cơ quan thi hành pháp luật cần thường xuyên phối hợp công tác, trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng, chống ma túy và cập nhật các phương thức và công cụ hỗ trợ tìm kiếm, chia sẻ thông tin nghiệp vụ nhằm triệt phá và ngăn chặn các vụ buôn bán, vận chuyển ma tuý trái phép.
Theo Thượng tá Phan Quang Huy, tình hình tội phạm ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và gia tăng hoạt động, nhất là khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Lực lượng Cảnh sát biển xác định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên khu vực biển ngày càng khó khăn, phức tạp.
Để công tác phòng, chống tội phạm ma túy đạt kết quả cao, Cục Nghiệp vụ và Pháp luật, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển cũng đang chỉ đạo lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ma túy Cảnh sát biển chủ trì và phối hợp với các lực lượng chức năng khác trong xây dựng, triển khai thực hiện các kế hoạch phòng, chống tội phạm ma túy tại các tuyến, địa bàn trọng điểm, đặc biệt là tuyến biển, địa bàn ven biển; kế hoạch đấu tranh bắt giữ các đối tượng, đường dây phạm tội về ma túy; hỗ trợ lực lượng, phương tiện kỹ thuật trong giám sát đối tượng, tàu thuyền trên biển trao đổi các thông tin về phương thức, thủ đoạn và các loại ma túy mới...
Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện đánh giá, ma túy và tội phạm ma túy là vấn đề toàn cầu, để giải quyết vấn đề tội phạm về ma túy cần tăng cường hợp tác quốc tế, đấu tranh phòng, chống ma túy từ sớm, từ xa; điều tra, bắt giữ cả đường dây, đối tượng chủ mưu, cầm đầu…
Thời gian vừa qua, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, làm tốt công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy ở khu vực biên giới; đồng thời mở các đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm về ma túy với các nước láng giềng: Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đặc biệt, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an ký bản ghi nhớ và ban hành kế hoạch tăng cường hợp tác phòng, chống ma túy giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Lào với phương châm "giúp bạn là giúp mình", góp phần ngăn chặn nguồn cung ma túy từ khu vực "Tam giác vàng" qua Lào về Việt Nam.
Đồng thời, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cũng tăng cường hợp tác với các nước có chung đường biên giới, các nước trong khu vực và các nước, đối tác khác như Cảnh sát Liên bang Úc, Cơ quan phòng, chống ma túy Hoa Kỳ xác lập các chuyên án chung để tập trung đấu tranh đối với các tổ chức tội phạm ma tuý xuyên quốc gia.