Bạn đọc & Tòa soạn

Cảnh giác với chiêu trò bán điện thoại “xịn” giá rẻ

06:06 - Thứ Hai, 30/05/2022 Lượt xem: 5404 In bài viết

ĐBP - Hiện nay nhiều trang fanpage trên mạng xã hội Facebook mạo danh các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam để quảng cáo bán các loại điện thoại “xịn” với “khuyến mãi vàng” có giá bán chưa bằng nửa giá trị thực tế. Nhiều người chủ quan, thấy các nhãn thương mại lớn, giá rẻ nên không ngại ngần xuống tiền đặt hàng, để rồi nhận cái kết không như mong đợi.

Chị Lò Thị Nhi liên tục gọi điện cho chủ cửa hàng bán điện thoại trên mạng nhưng thuê bao không liên lạc được.

Chị Lò Thị Nhi, bản Tâu, xã Hua Thanh (huyện Điện Biên) bức xúc kể lại câu chuyện bị lừa bởi chiêu trò này. Chị Nhi cho biết cách đây hơn hai tuần, chị xem trên Facebook thấy có quảng cáo của hai trang fanpage có tên Lazada và Shopee… bán điện thoại OPPO chính hãng. Sản phẩm này tại các cửa hàng điện thoại di động có giá 6 - 7 triệu đồng, nhưng theo quảng cáo là “xả kho trưng bày hàng mẫu” nên giá giảm trên 50% (còn khoảng 3 triệu đồng), bao gồm kèm theo phụ kiện là sạc, tai nghe, ốp điện thoại; đồng thời sản phẩm được bảo hành 6 tháng, bao kiểm tra hàng, ship cod toàn quốc… Chị Nhi thấy yên tâm vì được bảo hành, được chọn màu và kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Sau đó chị Nhi nhắn tin trao đổi về giá, xác định rõ người bán; chủ hàng cũng yêu cầu phải đặt cọc trước một nửa tiền để tránh việc “bom” hàng nên chị Nhi đã chuyển trước 1,2 triệu đồng; hai bên thỏa thuận khi nhận hàng sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại. Tuy nhiên, gần một tuần trôi qua mà vẫn chưa nhận được hàng, chị Nhi sốt ruột hỏi chủ hàng thì được trả lời là hàng đã được chuyển đi, chỉ 1 - 2 ngày nữa là đến. Mấy ngày sau vẫn không thấy hàng về, chị Nhi tiếp tục nhắn tin hỏi nhưng không có phản hồi, gọi điện thì thuê bao không liên lạc được; tìm lại trang bán hàng trên mạng xã hội thì trang đó không còn tồn tại.

Tương tự, anh Lường Văn Tâm ở xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) cũng mua một chiếc điện thoại Samsung Galaxy A70 với lời giới thiệu “Xả kho, giảm giá 49%” từ một fanpage có tên giống với sàn thương mại điện tử nổi tiếng Shopee. Do hay mua hàng trên Shopee và thấy nhân viên bán hàng chỉ dẫn rất cụ thể, chi tiết, nhất là chế độ bảo hành cho phép đổi trả hàng trong 7 ngày, anh Tâm đã quyết định đặt mua hàng. Tuy nhiên, chiếc điện thoại anh mua liên tục phập phù, sập nguồn, chất lượng không như quảng cáo. Nhờ một người bạn rành rẽ về công nghệ kiểm tra, thì được biết hộp sản phẩm cũng như thiết kế máy, phụ kiện và các chi tiết của máy đều là hàng giả, sao y bản chính nhưng chất lượng thì thua xa. Gọi vào số điện thoại đặt hàng, anh Tâm được một nữ nhân viên hướng dẫn gọi cho bên cung cấp và bảo hành sản phẩm chứ họ không thể giải quyết vì chỉ là bên quản lý đơn hàng. Sau đó, anh Tâm đã liên hệ với hotline của trang thương mại điện tử Shopee để yêu cầu đổi máy và bảo hành thì mới biết mình đã mắc lừa bởi đơn hàng của anh không có trên hệ thống.

Điều đáng nói là dù mua hàng từ hai sàn thương mại trên hai trang fanpage khác nhau, nhưng cả chị Nhi và anh Tâm đều nhận được quy trình mua hàng giống nhau. Kết quả là đều bị lừa đảo. Do vậy, khi quyết định mua hàng qua mạng, người dân cần tìm hiểu kỹ về hàng hóa, dịch vụ được quảng cáo; cần có sự đối chiếu, kiểm tra để xác nhận các sàn thương mại điện tử chính hãng, uy tín; đặc biệt đừng quá ham giá rẻ để tránh bị lừa đảo như các trường hợp kể trên.

Bài, ảnh: Anh Khôi
Bình luận

Tin khác

Back To Top