Giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hoà nhập cộng đồng

06:47 - Chủ Nhật, 17/07/2022 Lượt xem: 7462 In bài viết

ĐBP - Công tác tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng là một trong những chính sách của Đảng, Nhà nước dành cho phạm nhân và người chấp hành xong hình phạt tù. Công an tỉnh, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thường xuyên quan tâm, giúp đỡ để họ có ý thức tự vươn lên, vượt qua rào cản tâm lý, sự kỳ thị. Qua đó góp phần quan trọng trong phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trên địa bàn.

Công an huyện Điện Biên Đông thăm, động viên người mới được tái hòa nhập cộng đồng. Ảnh: C.T.V

Thượng tá Lê Việt Thắng, Phó phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh) cho biết: Tính từ năm 2020 đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 354 đối tượng được bàn giao cho UBND cấp xã để quản lý, giáo dục, giúp đỡ tại cộng đồng theo quy định. Trong đó 151 đối tượng tiếp nhận án treo; 112 đối tượng cải tạo không giam giữ; hoãn 36 đối tượng; tạm đình chỉ 13 đối tượng và 42 đối tượng được tha tù trước thời hạn có điều kiện; 1.915 người được tái hòa nhập cộng đồng. Thực hiện công tác tái hòa nhập cộng đồng, cơ quan công an đã tham mưu cho UBND cùng cấp chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện thông tin, truyền thông, giáo dục về tái hòa nhập cộng đồng, về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quyền và nghĩa vụ của công dân, của người chấp hành xong hình phạt tù thông qua các buổi nói chuyện, sinh hoạt cộng đồng. Qua đó đã từng bước thay đổi nhận thức, định hướng, khuyến khích cộng đồng xã hội tham gia giáo dục, giúp đỡ, xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử; trợ giúp về tâm lý, rèn luyện kỹ năng sống, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong hình phạt tù. 

Công an cấp xã tiếp nhận, lập hồ sơ quản lý, giám sát, hướng dẫn người chấp hành xong hình phạt tù thực hiện các thủ tục đăng ký hộ khẩu, xóa án tích, cấp phiếu lý lịch tư pháp, cấp mới thẻ căn cước công dân… theo quy định của pháp luật; vận động người dân trong khu vực dân cư phối hợp với gia đình quản lý, giáo dục giúp đỡ người chấp hành hình phạt tù. Phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện để gia đình người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương có điều kiện vay vốn chính sách xã hội phát triển kinh tế; giải quyết khó khăn, ổn định cuộc sống.

Tuy nhiên, trên thực tế sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND cấp huyện, xã trong công tác tư vấn, trợ giúp về tâm lý, hỗ trợ các thủ tục pháp lý và định hướng, đào tạo nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm, tạo việc làm… chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Còn tình trạng người chấp hành án không tự nguyện nộp bản tự nhận xét trong quá trình chấp hành án; có trường hợp đi khỏi địa phương không báo cáo đến nay chưa có giải pháp xử lý (huyện Điện Biên Đông), người chấp hành xong hình phạt tù trở về nơi cư trú không chấp hành việc trình diện với UBND cấp xã và trình Giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù với UBND cấp xã theo quy định. Việc hỗ trợ người chấp hành xong hình phạt tù được vay vốn đào tạo nghề, hỗ trợ cho vay vốn để phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm và các nguồn quỹ khác theo quy định pháp luật chưa thực sự được quan tâm. Đối tượng được vay vốn từ Quỹ hoàn lương tỉnh rất hạn chế (tổng quỹ khi thành lập năm 2016 là 905 triệu đồng, đến hết năm 2021 mới có 28 người được vay với số tiền 540 triệu đồng). Ý thức chấp hành pháp luật của một số người chấp hành xong hình phạt tù còn hạn chế, đa số có tâm lý tự ti; số người chấp hành xong hình phạt tù trở về địa phương nhiều, không có việc làm và thu nhập ổn định, dễ tái phạm. Mặt khác, khi xin việc làm tại các công ty, doanh nghiệp trên phạm vi cả nước đều yêu cầu xác minh lý lịch, dẫn đến hầu hết những người chưa được xóa án tích không xin được việc làm.

Tú Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top