Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường

Góp phần nâng cao ý thức của người dân

09:02 - Thứ Ba, 19/07/2022 Lượt xem: 7549 In bài viết

Bảo vệ môi trường (BVMT) là hoạt động vô cùng cần thiết, là trách nhiệm của cả cộng đồng. Nhằm góp phần nâng cao ý thức, điều chỉnh hành vi của người dân trong việc BVMT, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP (Nghị định 45) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 25-8 với nhiều điểm mới...

Áp dụng hình thức "phạt nguội"

Nhiều nội dung của Nghị định 45 được dư luận quan tâm như: Cá nhân, hộ gia đình không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng; hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 100.000 đến 150.000 đồng; hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt từ 150.000 đến 250.000 đồng...

Nghị định cũng quy định hành vi đốt rơm và các phụ phẩm ngoài trời từ cây trồng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính sẽ bị phạt tiền từ 2,5 đến 3 triệu đồng. Hành vi sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y sai quy định gây ô nhiễm môi trường bị phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng. Mức xử phạt các hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài; gây tiếng ồn vượt quá mức cho phép... cũng được quy định rõ trong nghị định.

Nhiều nông dân ở huyện Đông Anh (Hà Nội) vẫn có thói quen đốt rơm rạ sau thu hoạch gây ô nhiễm không khí. Ảnh: VIỆT TRUNG

Theo quy định tại Nghị định 45, mức phạt tiền tối đa với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đối với cá nhân là 1 tỷ đồng, đối với tổ chức là 2 tỷ đồng. Cùng một loại hành vi vi phạm, tổ chức bị xử phạt với mức phạt tiền gấp hai lần cá nhân. Đối tượng có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT là 2 năm. Điều đáng nói là cùng với việc xử phạt trực tiếp, Điều 8, Nghị định 45 cho phép sử dụng kết quả, dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật trong việc phát hiện, xử phạt vi phạm. Như vậy, đối với các hành vi như: Vứt, thải rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng, hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định ở khu vực công cộng, đốt rơm tại ruộng cạnh khu vực dân cư, sân bay, các tuyến giao thông chính... được ghi hình bởi các phương tiện, thiết bị kỹ thuật sẽ bị áp dụng hình thức “phạt nguội”.

Cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Đỗ Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Hợp danh Sự thật cho biết, so với quy định trước đây, mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vứt rác, tiểu tiện... không đúng nơi quy định đã giảm đáng kể. Điều này là hợp lý vì trước đây, tuy đưa ra mức phạt cao với mong muốn tạo tính răn đe nhưng thực tế lại không khả thi với một bộ phận người dân, dẫn tới tình trạng quy định chỉ nằm trên giấy. Hiện nay, mức phạt đã phù hợp, cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời chú trọng khâu kiểm tra, giám sát, xử lý kiên quyết, kịp thời các trường hợp vi phạm để từng bước nâng cao ý thức của người dân.

Cũng theo luật sư Đỗ Viết Hải, một số quy định về thẩm quyền xử phạt theo Nghị định 45 đã được điều chỉnh, phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho quá trình thực thi. Theo quy định cũ, đối với hành vi vứt rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố, thẩm quyền xử phạt từ trưởng công an cấp huyện hoặc chủ tịch UBND cấp huyện trở lên. Hiện nay, với hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng... thì trạm trưởng, đội trưởng công an đang thi hành công vụ có thể xử phạt tại chỗ. Với hành vi tiểu tiện, đại tiện, vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá sai quy định, các chiến sĩ công an đang thi hành nhiệm vụ đều có thể xử phạt tại chỗ... "Nghị định 45 đã quy định rất rõ ràng, cụ thể các hành vi vi phạm về môi trường cũng như mức xử phạt, tuy nhiên, để các chế tài này đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, lực lượng chức năng, luật sư Đỗ Viết Hải nêu ý kiến.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top