Cảnh báo ma túy núp bóng thực phẩm chức năng

07:49 - Thứ Sáu, 05/08/2022 Lượt xem: 9708 In bài viết

Thời gian qua, trên thế giới và Việt Nam xuất hiện 2 dạng ma túy mới núp bóng thực phẩm, gồm: Thực phẩm chức năng có chứa chất ma túy và ma túy được các đối tượng pha trộn, đóng gói dưới dạng thực phẩm, đồ uống. Các loại ma túy này thường có hình thức bắt mắt và nhắm tới học sinh. Bộ Công an cảnh báo, các gia đình cần cảnh giác, tăng cường quản lý, giáo dục để con em mình không mua, sử dụng các sản phẩm trên.

Ma túy trong vỏ bọc sôcôla mang từ nước ngoài về Việt Nam vừa bị lực lượng chức năng Hà Nội thu giữ. Ảnh: Ngọc Linh

Xuất hiện nhiều loại ma túy mới

Cuối năm 2021, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) có thông báo về 8 chất “ma túy mới” lần đầu tiên được phát hiện, có tính năng, tác dụng tương tự như ma túy nhưng chưa có tên trong danh mục các chất ma túy tại Việt Nam. Loại này ở một số nước trên thế giới không cấm và cho phép sản xuất với hàm lượng quy định có ghi trên bao bì sản phẩm và có cảnh báo người dùng. Tội phạm đã lợi dụng điều này để vận chuyển, buôn bán, sử dụng trái phép. Lực lượng công an đã phát hiện một số vụ việc ở Hà Nội, Quảng Ninh và thành phố Hồ Chí Minh…

Chị Tô Thị Dung, phụ huynh lớp 12D5, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Gia Thiều (quận Long Biên) cho biết, mẫu viên Chocolate Chill Max được đóng vào hộp giấy và bán công khai, rộng rãi trên các trang mạng xã hội có hình thức, màu sắc bắt mắt, gây tò mò đối với thanh, thiếu niên, nhưng không ai nghĩ đó chính là loại ma túy học đường mới xuất hiện.

Cuối tháng 5-2022, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 (huyện Đông Anh) tiếp nhận và điều trị 5 bệnh nhân trong độ tuổi học sinh có triệu chứng lơ mơ, khó thở. Qua khai thác được biết, sau khi ăn viên kẹo sôcôla 20 phút, các bệnh nhân xuất hiện dấu hiệu bồn chồn, khó thở, sau đó bất tỉnh, được đưa đi cấp cứu. Công an huyện Đông Anh đã đến tiếp nhận vụ việc và gửi mẫu sôcôla trưng cầu Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an thành phố Hà Nội) giám định chất ma túy trong các mẫu thu được và tìm thấy chất ADB-BUTINACA trong các viên kẹo.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương) cảnh báo, chất ADB-BUTINACA gây ảo giác, tác động lên thần kinh khiến người sử dụng có thể bị sốc hoặc mất kiểm soát về hành vi dẫn đến việc phạm tội, nhưng hiện không có trong danh mục các chất ma túy mới nhất.

Ngay sau vụ việc trên, Công an thành phố Hà Nội đã đưa ra cảnh báo, trước đây trên địa bàn đã xuất hiện những loại ma túy dạng thanh sôcôla có tên gọi "Cannabis chocolate", thực chất là hỗn hợp cần sa trộn lẫn bột cacao. Tuy nhiên, hiện nay, bên trong những sản phẩm này lại chứa chất ADB-BUTINACA gây rối loạn cảm xúc, lo lắng, căng thẳng với người sử dụng.

Bộ Công an cũng từng thông tin về loại ma túy mới có tên là Crispy Fruit (nước dâu). Thứ bột thực phẩm được ngụy trang dưới dạng nước uống trái cây này thực chất là một loại ma túy tổng hợp. Ngoài "nước dâu", "nước xoài", "nước nho"… ở dạng nước hoặc bột có thể hòa tan trong nước vừa mới phát hiện có nguồn gốc không rõ ràng đều là các loại ma túy tổng hợp dễ gây nghiện.

Lễ ra quân hưởng ứng Tháng hành động phòng, chống ma túy do quận Đống Đa tổ chức, tháng 6-2022. Ảnh: Linh Nhi

Các lực lượng cùng vào cuộc 

Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm (Bộ Công an), các đối tượng thường mang hàng từ nước ngoài về, khi sử dụng, người dùng có thể bị nhầm lẫn và nếu dùng quá liều sẽ gây nguy hiểm. Đây là thủ đoạn tinh vi của tội phạm nhằm qua mặt cơ quan chức năng để vận chuyển, mua bán trót lọt thực phẩm chức năng chứa chất ma túy. 

Trung tá Phạm Cảnh Quân, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an quận Hoàn Kiếm) cho biết, ngoài việc ngăn chặn các hoạt động ma túy núp bóng cười, shisha… đơn vị thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo để người dân, nhất là học sinh tránh xa các loại ma túy mới núp bóng thực phẩm chức năng và nước giải khát.  

Để góp phần hạn chế hậu quả liên quan đến loại ma túy lẫn trong thực phẩm chức năng, nước giải khát chủ yếu nhằm vào giới trẻ, Tổng Biên tập Tạp chí Trẻ em Việt Nam, Ủy viên Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam Nguyễn Mạnh Huy cho biết, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ mọi mặt con em các gia đình có dấu hiệu liên quan đến ma túy dạng mới. Hội sẵn sàng có chuyên gia tư vấn và phối hợp cùng các cơ quan chức năng giải quyết.

Nói về giải pháp, theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, để kịp thời ngăn chặn thủ đoạn tinh vi của tội phạm để vận chuyển, mua bán trót lọt thực phẩm chức năng chứa chất ma túy thời gian tới cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là tăng cường tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm, cách nhận biết ma túy, các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn. Lực lượng công an cũng sẽ phối hợp với hải quan, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý các loại hàng hóa là thực phẩm không rõ nguồn gốc được nhập vào Việt Nam. Ngoài ra, cần xử điểm, xử lưu động các vụ liên quan đến tội phạm về ma túy núp bóng các loại thực phẩm, đồ uống nhằm tuyên truyền, phòng ngừa loại tội phạm nguy hiểm mới xuất hiện này.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top