Kịp thời thu hồi tài sản, xử lý vi phạm sau thanh tra

08:20 - Thứ Hai, 15/08/2022 Lượt xem: 5554 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, Thanh tra tỉnh đã làm tốt công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thanh tra và công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn.

Xác định việc thực hiện kết luận sau thanh tra có vai trò quan trọng, quyết định đến hiệu lực, hiệu quả của công tác thanh tra, hàng năm, căn cứ tình hình thực tiễn, Thanh tra tỉnh xây dựng kế hoạch thanh tra, trong đó xác định rõ chỉ tiêu theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, coi đây là một trong những tiêu chí để đánh giá, chấm điểm cuối năm. Theo đó, lãnh đạo Thanh tra tỉnh giao nhiệm vụ cho phòng chuyên môn phân công cán bộ trực tiếp giám sát, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kết luận thanh tra được ban hành. Công tác đôn đốc, giảm sát, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra phải tiến hành thường xuyên, kịp thời, khách quan, minh bạch đối với từng kết luận và tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Đối với những kết luận thực hiện chậm so với yêu cầu, bộ phận được giao nhiệm vụ trực tiếp đến làm việc để nắm bắt, tìm hiểu, làm rõ nguyên nhân, phối hợp tìm giải pháp khắc phục.

Từ đầu năm đến nay, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 42 cuộc thanh tra hành chính và 223 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra, chấn chỉnh công tác quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 2,53 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu hồi 2,305 tỷ đồng; ban hành 176 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 20 tổ chức, 156 cá nhân với tổng số tiền 2,663 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 8 tập thể và 37 cá nhân; kiến nghị khởi tố hình sự 30 vụ với 25 bị can. Bên cạnh đó, Thanh tra tỉnh đã tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 30 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra, trong đó có 24 kết luận thanh tra đã hoàn thành 100% các nội dung phải thực hiện. Qua đôn đốc, đã thu hồi 1,944 tỷ đồng; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 8 tổ chức, 37 cá nhân. Ngoài ra, Thanh tra tỉnh đã tham mưu tổng hợp báo cáo trình UBND tỉnh báo cáo tổng kết công tác rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội và thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2015 - 2021; theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kết luận số 189/KL-TTr ngày 14/4/2021 và Kết luận số 182/KL-TTr ngày 9/4/2021 báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh; Ban hành các văn bản thông báo, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra đối với các kết luận thanh tra.

Ông Nguyễn Lâm Tùng, Trưởng phòng Nghiệp vụ IV (Thanh tra tỉnh) cho biết: Nhìn chung, việc thực hiện các kết luận thanh tra của các đơn vị được thanh tra về xử lý kỷ luật và thu hồi tài sản vi phạm trên địa bàn tỉnh cơ bản thực hiện đúng, đủ và nhanh chóng. Song, bên cạnh đó, vẫn có một số đơn vị thực hiện các kết luận thanh tra còn chậm, bị quá hạn. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến việc chậm, quá hạn không phải do chủ quan từ các đơn vị được thanh tra. Hầu hết, việc thực hiện các kết luận bị quá hạn đều vướng vào cơ chế chính sách; liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị hoặc do cơ quan có thẩm quyền chưa phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành; vướng về cơ chế, chính sách giải phóng mặt bằng, tái định cư, thu hồi đất, giá đất, thu hồi tạm ứng, giảm trừ, giảm cấp phát kinh phí đầu tư, kinh phí thường xuyên. Đơn cử như, hiện nay, Thanh tra tỉnh đang theo dõi, đôn đốc Sở Y tế giải quyết dứt điểm một số kiến nghị theo kết luận thanh tra số 535/KL-TTr ngày 4/12/2020 của Chánh Thanh tra tỉnh liên quan đến việc thực hiện giải phóng mặt bằng Trạm Y tế xã Pú Xi (huyện Tuần Giáo) và quyết toán dự án hoàn thành các công trình: Phòng khám Đa khoa xã Mường Nhà, Trạm Y tế xã Hẹ Muông, Trạm Y tế xã Na Tông (huyện Điện Biên). Ngoài ra, công tác đôn đốc, thu hồi tài sản và xử lý vi phạm sau thanh tra cũng gặp một số khó khăn như: Quy định về chế tài cụ thể áp dụng với các đối tượng thanh tra và các tổ chức, cá nhân liên quan khi không thực hiện kết luận thanh tra hoặc chậm thực hiện chưa có; các biện pháp cưỡng chế thực hiện cũng thiếu rõ ràng; lực lượng làm công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý sau thanh tra còn thiếu và phải kiêm nhiệm cùng lúc nhiều nhiệm vụ...

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra, theo ông Nguyễn Lâm Tùng, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp cần quan tâm hơn nữa trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra; thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tiến độ, kết quả thực hiện; xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, ngành Thanh tra tăng cường công tác giáo dục phẩm chất, đạo đức của người cán bộ thanh tra; củng cố, sắp xếp, bố trí cán bộ có kinh nghiệm, năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ làm nhiệm vụ giám sát và xử lý sau thanh tra. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế về xử lý sau thanh tra theo hướng quy định cụ thể trong Luật Thanh tra và có chế tài bắt buộc trong việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý sau thanh tra.

Nhật Phương
Bình luận

Tin khác

Back To Top